Thứ tư 15/01/2025 12:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Chồng là người nước ngoài có được cùng đứng tên trên sổ đỏ?

10:59 | 11/04/2018

Chồng của bà Ngọc Uyên (TPHCM) là người nước ngoài. Vợ chồng bà đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Hiện, vợ chồng bà muốn mua nhà, đất riêng lẻ, không nằm trong dự án xây dựng.


Ảnh minh họa

Bà Uyên hỏi, vợ chồng bà có quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ không? Chồng của bà được cùng đứng tên trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Uyên hỏi như sau:

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Khoản 1, Điều 75 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trường hợp bà Ngọc Uyên, kết hôn với người nước ngoài, quốc tịch nước ngoài, vợ chồng bà dùng tiền là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mua nhà ở tại Việt Nam thì, cùng với các điều kiện đối với người Việt Nam mua nhà ở tại Việt Nam, bắt buộc phải tuân thủ điều kiện đối với người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo đó, vợ chồng bà Uyên chỉ được chung nhau sở hữu nhà ở là căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Do chồng bà Ngọc Uyên là người nước ngoài chưa được pháp luật Việt Nam cho phép mua nhà ở riêng lẻ ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nên vợ chồng bà không đủ điều kiện được đứng tên chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bà Uyên có thể dùng tài sản riêng của mình (quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình) gồm tài sản có trước khi kết hôn, từ tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân để mua nhà ở riêng lẻ ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; đứng tên riêng của vợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện quyền sở hữu nhà ở này làm nơi cư trú của vợ chồng bà.

Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load