Thứ sáu 26/04/2024 16:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cai thuốc lá có phải là “nhiệm vụ bất khả thi”?

11:06 | 26/12/2021

(Xây dựng) - Nhiều người cai nghiện thuốc lá thành công chia sẻ rằng, cai thuốc lá không phải dễ nhưng cũng không phải quá khó. Chỉ cần nhận thức đúng lợi hại của thuốc lá người ta sẽ có động lực để thay đổi. Điều này được chứng minh bởi thành tích phòng chống tác hại của thuốc lá tại Vụ Vật liệu xây dựng, theo đại diện lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng thì số người bỏ hút thuốc lá tại Vụ trong năm 2021 lên tới 30%. Đó là con số rất ấn tượng và cũng là minh chứng khẳng định bỏ thuốc hút lá không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

tin nhap 20190706192450
Vụ Vật liệu xây dựng tích cực tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua băng zôn, tờ rơi, áp phích… (Ảnh: TL).

Những năm gần đây, Nhà nước, các tổ chức y tế, sức khỏe cộng đồng thường xuyên phát động các chương trình vận động, tuyên truyền người dân nhận thức, hiểu rõ tác hại của thuốc lá và các loại thuốc tương tự (gọi chung là thuốc lá) với mục tiêu vận động người dân không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc lá nhằm đảm bảo môi trường sống lành mạnh, an toàn hơn.

Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (gọi tắt là Luật). Luật có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, mục tiêu quan trọng của Luật là hướng tới môi trường sống không khói thuốc, giảm thiểu bệnh tật từ thuốc lá, tạo môi trường sống lành mạnh cho mọi người.

Theo đó, tại khoản 1, Điều 7 luật này quy định công dân “được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá”. Năm 2021, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Phòng chống tác hại thuốc lá (từ ngày 25-31/5/2021). Bộ Xây dựng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá để xây dựng kế hoạch tuyên tuyền cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các đơn vị Bộ Xây dựng. Nhằm giảm thiểu tối đa việc hút thuốc, nâng cao ý thức chấp hàng việc cấm hút thuốc tại trụ sở. Đồng thời nâng cao sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Bộ Xây dựng.

Hưởng ứng phong trào vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan giảm hút thuốc lá và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá, Vụ Vật liệu xây dựng đã nhanh chóng quán triệt tới các lãnh đạo các phòng, ban, công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức vận động công chức, người lao động, đoàn viên đơn vị mình… thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đại diện lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Trong số những người hút thuốc thường ở lớp tuổi lớn chứ giới trẻ hiện nay là ít hút thuốc hơn. Vừa qua, Bộ Xây dựng có đợt tuyên truyền, vận động hạn chế và tiến tới bỏ hút thuốc lá nhằm nâng cao sức khỏe. Lãnh đạo Vụ rất hưởng ứng, quan tâm và quán triệt tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công, nhân viên thuộc Vụ nghiêm túc thực hiện phong trào phòng chống tác hại của thuốc lá. Do vậy, sau 1 thời gian ngắn thực hiện, đến nay lượng người còn hút thuốc lá tại Vụ chỉ còn khoảng 10%. Tới đây, Vụ sẽ tiếp tục phát huy thành quả này và tuyên truyền, vận động tốt hơn nữa, hướng tới môi trường không khói thuốc. Tại Vụ, biển cấm hút thuốc nơi công cộng được gắn ở nhiều nơi, từ phòng làm việc đến hành lang... và được anh em thực hiện rất nghiêm túc.

Mặc dù hút, nghiện thuốc lá đã trở thành thói quen xấu của nhiều người, có người nghiện thuốc cả chục năm, có người hút thuốc từ khi còn vị thành niên. Nhiều khi cứ tưởng nghiện thuốc lá rồi thì rất khó bỏ, nhưng hóa ra không phải quá khó như mọi người vẫn nghĩ. Chỉ cần tuyên truyền, vận động kỹ càng, phân tích thấu đáo thiệt hơn từ việc hút và bỏ thuốc sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại, thay đổi thói quen xấu. Có thể thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tác hại của thuốc lá tại Vụ Vật liệu xây dựng là 1 minh chứng điển hình cần được nhân rộng tới nhiều đơn vị khác.

Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm). Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Liên quan đến vấn đề cai nghiện thuốc lá, theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thành chỉ ra rằng, có 7,9% người hút thuốc lá, ước tính khoảng 1,1 triệu người có kế hoạch bỏ thuốc lá vào tháng sau. Trong số những người đang bỏ hút thuốc lá có 41,8% đã bỏ thuốc trên 10 năm, 19,4% từ 5 < 10 năm, 27% từ 1 < 5 năm và 11,4% dưới 1 năm.

Trong số những người đang sử dụng thuốc lá, có 72,2% nhận được lời khuyên bỏ thuốc từ cán bộ y tế. Lý do chính dẫn đến việc bỏ thuốc lá chủ yếu vì “thuốc lá có hại cho sức khỏe” (93,1%), vì “hút thuốc lá bị bạn bè gia đình phản đối” (68,2%).

Đặc biệt, có sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ người hút thuốc tin rằng, hút thuốc lá gây nên các bệnh đột quỵ, đau tim, ung thư phổi hoặc cả 3 bệnh lý đột quỵ, đau tim và ung thư phổi. Cụ thể, tỷ lệ nhận thức về nguy cơ đột quỵ, đau tim và ung thư phổi do sử dụng thuốc lá năm 2020 lần lượt là 81,1%; 77,8%; 96% và 72,2% tin rằng hút thuốc lá gây nên cả 3 bệnh đột quỵ, đau tim và ung thư phổi.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load