Thứ ba 05/11/2024 15:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bình Thuận: Vùng đất tiềm năng để phát triển điện gió

08:46 | 11/12/2019

(Xây dựng) – Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng hóa thạch như hiện nay, các nước trên thế giới tiến dần đến xu hướng tận dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, điện gió…). Có thể khẳng định, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, nhưng việc phát triển các nguồn điện này ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm.

binh thuan vung dat tiem nang de phat trien dien gio
Mô phỏng tuốc bin tại dự án điện gió ThangLong Wind, Bình Thuận (Nguồn: Internet)

Tiềm năng và định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Bình Thuận

Theo khảo sát, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước. Đặc biệt, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Vấn đề năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận đang có sức hút lớn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Như vậy, định hướng phát triển đối với ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh sẽ đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bình Thuận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Tuy nhiên, cần chú ý triển khai các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phải gắn liền với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa với sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh, phải gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đồng thời phải đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là việc đấu nối lưới điện, truyền tải công suất điện đến các vùng phụ tải trong cả nước, bảo đảm môi trường sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để phát triển tiềm năng điện gió, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Theo đó định hướng đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh.

Cho đến nay, 3 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW. Sản lượng điện của 3 nhà máy này khoảng 140 triệu kWh/năm, như vậy so với tiềm năng quy hoạch là còn rất thấp. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi đã được quan tâm, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ThangLong Wind trên biển Kê Gà với công suất đề xuất 3.400MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 11,9 tỷ USD.

Hiện nay nhà đầu tư đã hoàn thành lập Quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định. Một số nhà đầu tư khác cũng đã đăng ký đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và tỉnh cho khảo sát các dự án điện gió trên biển với tổng công suất đề xuất khoảng gần 9.500 MW.

Như vậy, tổng công suất quy hoạch và đề xuất của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đất liền và biển) vào khoảng 15.400MW.

Dự án điện gió ThangLong Wind – đột phá về năng lượng tái tạo

Mới đây, dự án điện gió ThangLong Wind (ngoài khơi Mũi Kê Gà), tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Công ty Enterprize Energy triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi Mũi Kê Gà và giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại Công văn số 621/VPCPQHQT của Văn phòng Chính phủ.

Đến cuối tháng 6/2019, Công ty Enterprize Energy đã khảo sát lấy ý kiến gần 400 hộ gia đình tại ven biển khu vực thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi về hoạt động đi biển có liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind.

Công ty Enterprize Energy cũng đã tiến hành lắp đặt thành công hệ thống Lidar đo gió tại giàn khoan Diamond để thu thập dữ liệu gió và truyền về trung tâm lưu trữ số liệu đặt tại Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (EVN PECC3) xử lý, phân tích. Đồng thời, thực hiện 2 chuyến bay chụp không ảnh tại vùng triển khai dự án.

Dù được quan tâm và tạo nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, nhưng dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc cần “gỡ” như: quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, ban hành theo quy định nên UBND tỉnh Bình Thuận cũng không thể hướng dẫn và đánh giá sự ảnh hưởng của dự án đối với quy hoạch sử dụng không gian biển.

Ngoài ra, hiện chưa có các quy định cụ thể đối với công trình điện gió ngoài khơi. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cũng mong muốn Bộ Công Thương sớm ban hành, hướng dẫn các quy định có liên quan đến công trình điện gió ngoài khơi để địa phương và nhà đầu tư có cơ sở theo dõi, thực hiện.

Diệp Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load