(Xây dựng) - Hơn 1 năm sau ngày cầu Mỹ Thuận 2 chính thức đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đến nay, lần lượt cầu Rạch Miễu 2 rồi cầu Đại Ngãi được xây dựng trong niềm tự hào của người dân Việt Nam, vì cầu do chính người Việt thiết kế, thi công, giám sát…
Gác lại niềm riêng, đón Tết trên công trường
Những ngày cuối năm, trên công trường xây dựng cầu Đại Ngãi 2 (thuộc dự án cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), hàng trăm kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài làm việc để hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Cầu Đại Ngãi 2 có 4 đơn vị thi công, thời gian thi công 740 ngày. Ban Quản lý dự án (BQLDA) 85 - Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi hiện thi công đạt 55% sản lượng. Phần tuyến đã hoàn thành đắp nền K95 đạt 373.364/640.668 m3, cắm bấc thấm hơn 2.429/3.724 km, phấn đấu hoàn thành đắp gia tải và chờ lún vào tháng 01/2025. Phần cầu đang triển khai thi công 6/6 cầu trên tuyến.
Ông Cao Văn Giáp, phụ trách thi công cầu Đại Ngãi 2 (phía bờ thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú) cho biết: “Những ngày qua, thời tiết se lạnh và mưa nhiều đã gây ra nhiều khó khăn cho anh em làm việc. Tuy nhiên, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", chúng tôi chia làm 3 ca 4 kíp, tập trung làm việc đưa công trình sớm hoàn thành đúng tiến độ”.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, nhiều công nhân đón Tết nơi công trường. Ngày Xuân cận kề với nỗi nhớ quê da diết, nhưng họ vẫn giữ vững khí thế thi đua lao động. Mồ hôi chảy ròng trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, anh Trần Phong Vũ, Chỉ huy trưởng thi công (Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn) cho biết: Cũng như mọi người ở đây, có khi hàng tháng tôi mới về thăm người thân một lần. Nhưng vì tiến độ công trình nên anh em công nhân động viên nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao.
“Tết về, nhớ quê lắm, nhưng ráng gạt bỏ niềm riêng. Xuân không về thăm nhà được thì để xuân sau. Chúng tôi động viên nhau: Ngày về sẽ là ngày cao tốc Bắc - Nam nối liền một dải. Năm nào cũng vậy, không về quê được, tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh em bày mâm cơm, kiếm một cành mai cho có không khí Tết. Đơn giản vậy thôi, miễn sao công việc hoàn thành tốt là được", anh Vũ nhấn mạnh.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, điểm đầu giao QL54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Đây là trục giao thông chính, quan trọng ven biển các tỉnh miền Tây. Toàn tuyến có chiều dài trên 15,1 km, 5 nút giao, 7 cầu. Trong đó, có 2 cầu vượt chính dây văng là cầu Đại Ngãi 1 (dài 2.560 m) và cầu Đại Ngãi 2 (dài 862 m). Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư 8.014 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) được giao làm chủ đầu tư.
Mới đây, ngày 09/12/2024, tại bờ Bắc sông Hậu thuộc xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, Ban Quản lý dự án 85 đã tổ chức thi công gói thầu 15-XL xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu, thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi.
Dự án có tổng chiều dài 15 km, điểm đầu giao với QL54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Đối với phần cầu chính dây văng Rạch Miễu 2, ngày 24/10, đã hoàn thành 100% thân trụ tháp P19, P20. Mặt cầu đã hoàn thành khối dầm đến K5, khối này có 14 khối tại trụ dây văng P19, P20. Cùng với đó, nhà thầu đã lắp đặt, căng cáp dây văng khối dầm K6 được 56/112 bó cáp, đang triển khai lắp đặt cốt thép khối dầm K6.
Anh Phạm Anh Tuấn, công nhân thi công gói thầu XL02 tại dự án cầu Rạch Miễu 2 chia sẻ: “Trên công trường, có những ngày nắng nóng oi bức, hay những cơn mưa bất chợt khiến mọi người phải dừng công việc... Thế nhưng, với tinh thần nỗ lực thi công, anh em công nhân luôn tranh thủ khi thời tiết đẹp, ăn vội chén cơm để còn làm việc, bù lại những thời gian phải ngưng khi nắng nóng, mưa gió, để đảm bảo tiến độ thi công đã cam kết, phấn đấu hoàn thành công trình cầu Rạch Miễu 2 vào dịp lễ Quốc khánh năm 2025”…
Niềm tự hào của người Việt
Năm 2000, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam - cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long chính thức hoàn thành. Lúc bấy giờ, đây là công trình quy mô lớn, kỹ thuật cao, với toàn bộ khâu thiết kế, giám sát, thi công do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Phía Việt Nam chỉ có Cienco 6 tham gia là nhà thầu phụ.
Công nhân hối hả làm việc trên công trường cầu Đại Ngãi 2. |
Những năm sau đó, lần lượt cầu Rạch Miễu, rồi đến cầu Cần Thơ, Cao Lãnh, Nhật Tân, Vàm Cống, Bạch Đằng... được xây dựng. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam đã học hỏi công nghệ và tham gia rất nhiều vào quá trình xây dựng; nhưng các khâu quan trọng như căng cáp dây văng vẫn do các kỹ sư nước ngoài đảm nhiệm.
Chỉ đến tháng 02/2020, cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công, là cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công căng cáp.
Khi công trình hợp long, gần như không có sự chênh lệch giữa hai trụ tháp, dầm, chỉ lệch so với cao độ thiết kế tầm 3 cm. Đây là kết quả đáng ghi nhận với cầu dây văng vượt nhịp dài 350 m, khẳng định vị thế làm chủ được công nghệ của những nhà thầu Việt Nam.
Kỹ sư Nguyễn Thành Lũy (Phó Giám đốc Ban Quản lý, điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT) cho biết: Khác với trên đất liền, thi công cầu Mỹ Thuận 2 hoàn toàn diễn ra trên sông nước. Từ những ngày khởi công, việc lắp đặt, tạo ra một công trường trên sông vốn đã là chuyện không đơn giản.
Do địa chất không ổn định của lòng sông Tiền, nhà thầu phải tìm giải pháp thi công cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m, sâu 110 - 116 m. Đây là cọc khoan nhồi lớn nhất và sâu nhất từng được thi công tại Việt Nam. Ban đầu, đơn vị thi công áp dụng công nghệ RCD, tức khoan dùng nén khí và lấy bùn từ dưới đáy khoan lên bằng hơi, nhưng không thành công - khi xuất hiện những hạn chế, điển hình là không giữ được thành hố khoan.
Dự án phải ngưng 3 tháng (từ tháng 12/2020 - 3/2021) để đánh giá lại kỹ thuật trong sự lo lắng của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu.
“Bằng kinh nghiệm thi công các dự án lớn, các cán bộ, kỹ sư đã quyết định chuyển sang công nghệ khoan bằng cần Kelly. Nhưng thay vì sử dụng khoan cần Kelly trên hệ sà lan dễ mất ổn định do nước chảy rất mạnh, độ thẳng của hố khoan xử lý rất khó, nhà thầu chọn giải pháp đóng hệ sàn đạo bằng thép hình, ống vách”, anh Lũy cho biết.
Ông Lê Quốc Dũng, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 nhấn mạnh: “Đây không phải cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, nhưng là cầu dây văng đầu tiên do người Việt tự chủ toàn bộ từ khâu thiết kế đến thi công. Niềm tự hào đó không cho phép chúng tôi nản lòng, anh em luôn động viên nhau phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để về đích, đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ”.
Giang Sơn - Phạm Hổ
Theo