(Xây dựng) – Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Đóng góp vào đổi thay ấy có sự góp sức của ngành Giao thông, giao thông đi trước, mở đường tạo đà cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Long Biên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc. |
Tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến việc mở những con đường mới kết nối vùng miền, giảm sự ngăn cách giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Năm 2024, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh và sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông được Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh rà soát, hoàn thiện phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng kế hoạch triển khai lĩnh vực giao thông vận tải, xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh có văn bản tham gia ý kiến trong quá trình lập hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ 1.435mm chạy qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng trong quá trình thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Tam Đảo, Quy hoạch chung thành phố Phúc Yên; lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khi nhận được đề nghị.
Giao thông thuận lợi, tạo đà cho phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. |
Ngoài ra, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được Sở Giao thông vận tải quản lý 470,7km các tuyến đường tỉnh, 40km tuyến Quốc lộ 2C được Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý và hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh với tổng số 185 nút. Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường, đèn tín hiệu giao thông. Mặt khác, trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện hợp đồng với các nhà thầu quản lý, bảo trì đường bộ và hệ thống đèn tín hiệu thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng thực hiện công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ 2C giai đoạn 2024 – 2026; tổ chức tiếp nhận một số tuyến đường mới từ các chủ đầu tư như: Cầu Vĩnh Phú; đường qua khu trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; tuyến nhánh đường Văn Quán - Sông Lô...
Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì, Sở Giao thông vận tải tiến hành nghiệm thu, thanh toán theo chất lượng, trong đó chú trọng công tác vệ sinh mặt đường, khơi thông cống rãnh, đảm bảo lề sạch, rãnh thông, mặt đường êm thuận. Tăng cường kiểm tra, tuần đường để kịp thời phát hiện, sửa chữa các hư hỏng trên tuyến; thường xuyên có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư các dự án đôn đốc việc đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.
Nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay công tác quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông có sự thay đổi rõ rệt so với thời điểm trước khi nhận bàn giao từ cấp huyện. Các hư hỏng của hệ thống đèn tín hiệu giao thông đều được kiểm tra, xử lý, khắc phục xong trong vòng 12h kể từ khi phát hiện. Đối với hạ tầng phục vụ xe buýt, Sở Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện đấu thầu công tác quản lý, bảo trì hệ thống biển báo, nhà chờ xe buýt, hoàn thành trong tháng 12/2024 và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2025. Việc quản lý, phòng vệ đường ngang tạm giao cắt với đường sắt Hà Nội – Lào Cai tại Km49+195 và Km55+200 được Sở Giao thông vận tải triển khai đặt hàng với đơn vị thuộc ngành Đường sắt nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đường sắt. Đối với đường ngang Km55+200, sẽ chấm dứt hoạt động và hoàn trả nguyên trạng từ ngày 01/01/2025 do đã có cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành thay thế.
Trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện 10 dự án sửa chữa định kỳ trong Kế hoạch bảo trì đường bộ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 20/02/2024; 4 dự án sửa chữa đột xuất để đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả mưa bão trên các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý; 3 công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất trên quốc lộ. Đến nay, các dự án cơ bản triển khai xong và dự kiến thi công hoàn thành trong năm 2024.
Về công tác xây dựng Kế hoạch bảo trì hệ thống đường bộ năm 2025, đối với hệ thống quốc lộ, căn cứ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải đã trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt kế hoạch bảo trì, dự toán ngân sách năm 2025 và thiết kế bản vẽ thi công theo đúng tiến độ yêu cầu. Đối với hệ thống đường tỉnh: Trên cơ sở danh mục công trình được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 22/7/2024, đến nay, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai lập và phê duyệt hồ sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật của 9 công trình sửa chữa định kỳ trước ngày 31/10/2024. Đồng thời, xin ý kiến Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố về Kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. |
Cùng với đó, công tác xây dựng và phát triển giao thông nông thôn luôn được Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, cơ quan phụ trách tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện đánh giá, xác nhận mức độ đạt tiêu chí giao thông cho các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 – 2025.
Công tác quản lý chất lượng công trình giao thông đã được Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc chú trọng. Năm 2024, Sở thực hiện thẩm định 12 hồ sơ dự án và 33 hồ sơ thiết kế - dự toán. Qua công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán đã thực hiện cắt giảm, tiết kiệm 27,64 tỷ đồng, tương đương 8,05% tổng giá trị trình thẩm định. Trong năm 2024, Sở đã tiến hành nghiệm thu 30 công trình, trong đó có 15 công trình đang trong quá trình thi công, 11 công trình hoàn thành trước khi đưa vào khai thác sử dụng. Qua kiểm tra, đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu sửa chữa, xử lý triệt để các hư hỏng để các công trình giao thông trước khi đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn, ổn định và bền vững.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh tại giao Quyết định số 2456/QĐ-UBND ngày 13/11/2023, về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp tái sử dụng vật liệu trong bảo trì, sửa chữa, cải tạo và nâng cấp đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, Sở Giao thông vận tải đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng ký kết với Sở Khoa học và Công nghệ đảm bảo tiến độ, yêu cầu và đã được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá là đáp ứng trong quý IV/2024. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội, mặt đường bê tông nhựa polime trong bảo trì công trình: Sửa chữa đường Lý Thái Tổ thành phố Vĩnh Yên, đường Kim Ngọc, thành phố Vĩnh Yên đoạn từ nút giao Tỉnh ủy đến nút giao phố Hồ Xuân Hương.
Ông Hoàng Long Biên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong năm 2025, trọng tâm của Sở Giao thông vận tải là chủ động phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, triển khai thực hiện hoàn thành việc sáp nhập 2 cơ quan theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bám sát Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong xây dựng đường bộ, phát triển hạ tầng và đô thị; chủ động nghiên cứu, đề xuất các công trình, dự án lớn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là các tuyến giao thông đối ngoại, tuyến thuộc hạ tầng khung của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Nhiên – Tuệ An
Theo