Thứ tư 15/01/2025 14:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đồng hành với thầy cô bám các điểm trường vùng cao

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ

19:45 | 03/06/2024

(Xây dựng) – Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động đã được quan tâm thực hiện tốt hơn, trong đó có bố trí, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng núi. Tuy nhiên, so với vai trò vị trí việc làm và những cống hiến mà các thầy cô đang đảm nhận thì vẫn cần có những giải pháp căn cơ, để giúp đội ngũ giáo viên miền núi yên tâm “an cư”, bám vững các điểm trường trong hành trình gieo con chữ đến các em học sinh.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Nếu được “an cư” thì các cô thầy sẽ yên tâm hơn trên hành trình gieo con chữ.

Chăm lo “chốn an cư” cho giáo viên là cấp thiết

Có thể thấy, nhiều địa phương trên cả nước đã rất quan tâm, chăm lo nhà ở cho giáo viên miền núi để các thầy cô yên tâm công tác. Công đoàn các cấp cũng đã phối hợp với địa phương, nhà trường để tiến hành xây dựng thay mới, sửa chữa khu nhà công vụ ở nhiều điểm trường giúp thầy cô giáo, người lao động nhà trường có nơi sinh sống an toàn, khang trang. Tuy nhiên, con số ấy vẫn còn chưa thấm vào đâu so với hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của hàng nghìn giáo viên cắm bản.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Những căn phòng công vụ được kiên cố hóa khang trang.

Thực tế, nhiều điểm trường không những thiếu phòng ở cho giáo viên mà muốn bố trí xây dựng hoặc thuê trọ cũng khó khăn trăm bề. Những trường hợp ở nhờ nhà dân, nhà văn hóa của thôn cũng không thuận tiện như trong câu chuyện chúng tôi từng phản ánh tại điểm trường Nà Kiềng (xóm Nà Kiềng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng).

Tại trường Nà Kiềng, có 41 cán bộ quản lý giáo viên, trong đó, có 11 giáo viên là người địa phương, 30 giáo viên là người ngoài huyện đến công tác tại trường. Nhà trường có 4 phòng công vụ xây dựng bằng gỗ đã xuống cấp và trong thời gian tới sẽ bị phá dỡ để làm đường nông thôn đi qua.

Hiện có 3 giáo viên đang ở nhờ nhà văn hóa xóm nhưng nhà văn hóa cũng lại đứng trước nguy cơ bị phá dỡ theo quy hoạch làm đường giao thông nông thôn mới. Số giáo viên còn lại của trường đang thuê trọ nhà dân xung quanh để ở tạm.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Nhà ở công vụ của thầy cô (bên trái) được bố trí cạnh lớp học.

Đồng quan điểm về những khó khăn này, cô giáo Nguyễn Thúy Điệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Phùng cho biết: Hiện nay, trường Tiểu học Đình Phùng (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) có tổng số 36 giáo viên, cán bộ quản lý đang công tác tại các điểm trường, trong đó có 34 thầy cô.

Năm học 2023-2024, nhà trường có 1 điểm trường chính (địa chỉ tại xóm Bản Mỉoong, xã Đình Phùng); còn lại là 5 điểm trường lẻ nằm rải rác tại 5 xóm như: Phiêng Chầu 2, Lũng Quáng, Bản Buống, Lũng Vài, Nặm Pắt thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Tại các điểm trường lẻ, việc bố trí nhà ở cho giáo viên thường sắp xếp trên tinh thần xen lẫn các giáo viên có hộ khẩu ngoài huyện với các thầy cô có hộ khẩu và nhà ở tại địa phương để giảm tải áp lực về nhu cầu nhà ở cho các giáo viên. Thế nhưng, số lượng nhu cầu về nhà ở của giáo viên nhà trường vẫn rất lớn mà số lượng nhà ở thì không đủ đáp ứng.

“Ví dụ, điểm trường Lũng Quáng có 4 giáo viên có nhu cầu về nhà ở thì chỉ có 3 phòng; điểm trường Nặm Pắt có 7 giáo viên có nhu cầu về nhà ở nhưng điểm trường chỉ có 4 phòng… nên nhà trường phải bố trí dồn ghép các thầy cô ở chung với nhau.

Trong đó, các thầy cô có con hoặc gia đình cùng sinh sống sẽ được ưu tiên sắp xếp phòng riêng; còn các cô không có gia đình hoặc không có con cái đi theo sẽ phải ghép nếu số lượng phòng không đủ. Riêng đối với 13 thầy cô tại điểm trường Chính, phải đi thuê chỗ ở vì chính quyền xã không bố trí được quỹ đất để xây nhà ở cho giáo viên” - Cô Nguyễn Thúy Điệp thông tin thêm.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Sinh hoạt đời thường của các cô trường Tiểu học Phiêng Chầu 2.

Về chính sách bố trí nhà ở cho giáo viên đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng thuê nhà công vụ, thì chỉ có giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo mới được thuê nhà công vụ. Và theo khoản 2 Điều 32 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện để giáo viên thuê nhà ở công vụ như sau: Giáo viên chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác. Giáo viên đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định.

Có thể thấy, cán bộ, công chức, viên chức là giáo viên có vị trí việc làm chuyên môn phù hợp vị trí công tác, đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo sẽ được bố trí gian nhà tập thể với diện tích sử dụng phù hợp… là sự cần thiết.

Việc bố trí này sẽ tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng ngôi trường, từng địa phương khác nhau. Tuy nhiên, với những trường hợp đã có nhà riêng thì việc bố trí nhà công vụ cho giáo viên nghỉ trưa thực sự chưa cần thiết trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Cần những giải pháp căn cơ

Ổn định chốn an cư cho giáo viên vùng cao, đặc biệt là xây dựng những căn nhà công vụ kiên cố là một nhiệm vụ cần được coi là trọng tâm và cấp bách của chính quyền các địa phương, các ngành. Các khó khăn được đề cập lớn nhất hiện nay chính là quy hoạch quỹ đất xây dựng và bố trí nguồn vốn.

Bên cạnh đó, để công trình đảm bảo an toàn sử dụng và phù hợp với các điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống ở địa phương thì cũng cần có các tính toán hợp lý về kỹ thuật, kiến trúc, kết cấu, nguồn vật liệu xây dựng…

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Thầy Hoàng Văn Biên đang dẫn Đoàn công tác thăm quan các căn phòng công vụ của giáo viên trường Tiểu học Nà Thằn.

Theo thầy Hoàng Văn Biên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Thằn (xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng): Tình trạng thiếu nhà công vụ ở các điểm trường miền núi như hiện nay là do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn Nhà nước. Nếu chỉ dựa vào nguồn xã hội hóa thì việc triển khai xây dựng nhà công vụ cho giáo viên còn nhiều bất cập. Để xây dựng được nhà công vụ, thì Nhà trường cũng cần phải có những tính toán hợp lý trong bố trí được mặt bằng, vị trí xây dựng theo quy hoạch...

Còn theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thúy Điệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Phùng thì việc triển khai xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa thể như mong muốn là vì: Thứ nhất, quy hoạch quỹ đất ở các điểm trường lẻ chưa có quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chỉ mới đang tập trung xây dựng những gì cần và thiết yếu sau đó lại bổ sung thêm. Quỹ đất ở các điểm trường lẻ thường là nhỏ hẹp, nên chỉ ưu tiên xây các phòng học và các hạng mục phụ trợ để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thứ hai, nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên thường ưu tiên cho các điểm trường khó khăn hơn trên địa bàn huyện Bảo Lạc như các xã vùng biên giới.

Để xây dựng nhà công vụ giáo viên cho phù hợp và có tính lâu dài tránh lãng phí thì theo cô giáo Điệp: Các đơn vị nhà trường phải dự báo được quy mô lớp học, khả năng phát triển và duy trì các lớp học ở điểm trường của mình, vì ở miền núi thường dồn điểm trường sau đó lại tách ra. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến của chính quyền thôn xóm và người dân nơi dự kiến xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại điểm trường là cần thiết, để đảm bảo, nếu sau này nhà trường không sử dụng tới cơ sở vật chất của điểm trường thì chính quyền thôn xóm sẽ sử dụng hoặc có thể cải tạo phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Nếu như nhà trường phối hợp tốt với chính quyền thôn xóm và nhân dân về những mong muốn này, thì nhân dân sẵn sàng cùng hiến đất để mở rộng xây dựng công trình.

Bài 3: Cần lắm những giải pháp căn cơ
Cô giáo Nguyễn Thúy Điệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Phùng (áo hoa trắng thứ 2 bên trái) chia sẻ những khó khăn trong xây dựng nhà ở công vụ ở miền núi với Đoàn công tác.

Ngoài những vấn đề về quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở công vụ, bố trí nguồn vốn thì một vấn đề khác cũng phải đặc biệt quan tâm ở khu vực miền núi, đó là xác định được địa điểm xây dựng an toàn để tránh nguy cơ sạt lở khi mưa lũ. Bởi trên thực tế, có những nơi ổn định lâu năm nhưng qua những diễn biến rất dị thường, bất thường của thời tiết thì nguy cơ sạt lở có thể diễn ra bất kỳ nơi nào.

Do vậy, việc khảo sát, đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn.

Hiện nay, nhiều thầy cô cũng đang ở trong những ngôi nhà công vụ do bà con và nhà trường tự làm bằng công nghệ đơn sơ và vật liệu tại chỗ. Các giải pháp xây dựng đơn giản, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ nên các căn nhà hiện chỉ đảm bảo che mưa, che nắng đơn thuần chứ không đủ sức tránh bão lũ… Bên cạnh đó, vùng cao lại có thêm mùa đông lạnh, thời tiết cực đoan kèm theo sương muối, mưa đá và gió lốc…

Vì vậy, để xây dựng được những công trình nhà ở công vụ an toàn và phù hợp yêu cầu phát triển bền vững ở miền núi thì việc bảo đảm quy hoạch, chấp hành các quy định về an toàn địa chất, điều kiện địa lý là yêu cầu cần thiết và bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật sẽ giúp nâng cao chất lượng vật liệu chế tạo nhà ở, tối ưu hóa kết cấu, đảm bảo yếu tố truyền thống về kiến trúc, tập quán xây dựng và bền vững trong điều kiện khí hậu đặc thù cho từng địa phương.

Nhu cầu được dạy học ở nơi có điều kiện tốt, đảm bảo các điều kiện sống cơ bản là ước muốn chính đáng của mỗi giáo viên. Đặc biệt, với những giáo viên ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Do đó, những công trình nhà ở dành cho giáo viên vùng khó khăn cần được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm; cần các giải pháp căn cơ để đảm bảo sự an toàn, phù hợp, bền vững trong quá trình sử dụng.

Vì vậy, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp ngành, để thầy cô đủ về đời sống vật chất, vui trong đời sống tinh thần. Có như thế, mới sớm góp phần đưa giáo dục miền núi tiến kịp miền xuôi.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh miền núi cũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tham gia thực hiện các Chương trình góp phần vào hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, có chăm lo nhà ở cho giáo viên vùng cao. Tuy nhiên, vì những khó khăn về nguồn kinh phí xây dựng, quy hoạch quỹ đất… nên việc nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ “chốn an cư” cho nhiều giáo viên miền núi còn rất “chơi vơi”.

Riêng đối với LĐLĐ tỉnh Cao Bằng, đơn vị này hiện cũng đang xây dựng Đề án thực hiện công tác chăm lo cho người lao động; trong đó, tập trung nguồn lực xây dựng cải tạo nhà công vụ cho đoàn viên là giáo viên, nhân viên y tế, xây dựng; cải tạo bếp ăn, nhà bán trú, lớp học, khu vui chơi học sinh… vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, trong năm 2024, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung xây dựng nhà công vụ giáo viên tại huyện Nguyên Bình sau khi đi khảo sát nhiều điểm trường khó khăn trên địa bàn.

Ngọc Hà (Ảnh: Đài Trang)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load