Thứ bảy 27/04/2024 06:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tranh chấp hợp đồng cho thuê đất di tích Bạch Dinh

17:05 | 07/12/2020

(Xây dựng) – Mang di tích đi cho thuê, hết hợp đồng nhưng thanh lý không xong, đến mức phải đưa ra tòa nhờ phân xử. Sự việc này đang xảy ra tại khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Dinh – thành phố Vũng Tàu.

ba ria vung tau tranh chap hop dong cho thue dat di tich bach dinh
Các quán cà phê này vẫn hoạt động bình thường 4 năm nay.

“Theo lịch sử để lại, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho công đoàn mở quán kinh doanh cà phê từ khá lâu rồi, sau đó mới xin phép cơ quan chủ quản và tỉnh để ký hợp đồng cho thuê mặt bằng để các hộ kinh doanh cà phê tại khu vực mặt tiền di tích trên đường Trần Phú, phường 1, thành phố Vũng Tàu”, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.

Mặt tiền di tích quốc gia thành quán cà phê

Tháng 11/2011, được sự chấp thuận chủ trương của các cơ quan liên quan, ông Phạm Chí Thân – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết hợp đồng kinh tế số 45 với ông Đỗ Hữu Côn để cho thuê 2.500m2 mặt tiền di tích Bạch Dinh, đường Trần Phú, phường 1, thành phố Vũng Tàu kinh doanh cà phê, giải khát, với giá cho thuê thời điểm đó là 72 triệu đồng/tháng, thời gian thuê 5 năm (đến tháng 10/2016 là kết thúc). Theo hợp đồng, khi hết thời hạn thuê, bên thuê phải tháo dỡ vật dụng để trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Triêm – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc cho thuê kinh doanh cà phê tại khu vực trên nhằm tạo nguồn thu cho hoạt động Công đoàn. Tất cả các vấn đề về giá cho thuê, đấu thầu đều thực hiện theo quy trình.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng thuê được hơn 2.500m2 (thực tế sử dụng hơn 4.200m2) đất di tích Bạch Dinh – khu vực II, ông Côn lại tiến hành ký hợp tác kinh doanh với 5 người khác để mở các quán cà phê Biển, cá phê Bạch Dinh, Relax, Hoa Sứ, Cửu Long (quán cà phê Gold sau này).

Những lùm xùm bắt đầu phát sinh khi đến thời điểm kết thúc hợp đồng, các cá nhân thuê mặt bằng tại đây “đổi ý” quay sang không trả lại mặt bằng mà xin gia hạn thêm thời gian thuê. Sau 4 năm đòi đất bất thành, mới đây Bảo tàng tỉnh đã phải kiện các hộ này ra tòa dân sự vì đã có hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế.

Theo ông Hồ Thành Hưng – Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các cá nhân thuê mặt bằng tại di tích Bạch Dinh không chịu thanh lý hợp đồng vì cho rằng họ phải được hỗ trợ chi phí do việc thu hồi mặt bằng ảnh hưởng đến thu nhập và đã đầu tư để cải tạo mặt bằng kinh doanh.

Vi phạm hợp đồng, không trả lại đất di tích quốc gia

Theo hợp đồng, các cá nhân chỉ thuê hơn 2.500m2 đất di tích. Tuy nhiên, theo thực tế 5 quán cà phê này đang sử dụng tới hơn 4.200m2 đất di tích, có nghĩa là họ đang xâm phạm di tích quốc gia. Cứ cho là việc Bảo tàng tỉnh ký hợp đồng cho thuê mặt bằng trên đất di tích là đúng luật thì hành vi xâm lấn, chiếm dụng thêm 1.700m2 đất di tích để kinh doanh cà phê cần được xử lý ngay. Vậy mà hành vi này không được làm rõ.

Theo ông Huỳnh Đức Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hợp đồng kinh tế giữa các hộ dân và Bảo tàng đã chấm dứt, do đó phía Bảo tàng đã ngừng thu tiền mặt bằng trong suốt 4 năm qua. Sở đã nhiều lần phối hợp với các Sở, ngành và thành phố Vũng Tàu tiến hành rút giấy phép kinh doanh các hộ trên, chấm dứt các hợp đồng cung cấp điện, nước…

Bằng các biện pháp mạnh, nhưng các quán cà phê này vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, tự mua nước, kéo điện từ các hộ dân xung quanh để sử dụng.

Theo những gì phía Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh cho biết thì các hộ dân này đang kinh doanh bất hợp pháp trên đất di tích quốc gia. Vậy có mấy vấn đề cần lưu ý, họ bị cắt nước thì lấy nước đâu để dùng, họ kéo điện ở hộ dân nào để chiếu sáng kinh doanh và đặc biệt, khi không có giấy phép kinh doanh thì cơ quan thuế căn cứ vào đâu để thu thuế?

Và phải chăng các quán cà phê này đang có hành vi trốn thuế?! Các hộ dân bán điện cho các quán cà phê này có đang vi phạm pháp luật?

ba ria vung tau tranh chap hop dong cho thue dat di tich bach dinh
Theo hợp đồng, các cá nhân chỉ thuê hơn 2.500m2 đất di tích. Tuy nhiên, theo thực tế 5 quán cà phê này đang sử dụng tới hơn 4.200m2 đất di tích.

Hiện sự việc kinh doanh của các quán cà phê này trên di tích Bạch Dinh đang tạo dư luận không tốt trên địa bàn, do đó tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần sớm có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm của các quán cà phê này, đặc biệt là hành vi trốn thuế (nếu có), thu hồi lại mặt bằng, trả lại hiện trạng di tích quốc gia Bạch Dinh. Bên cạnh đó cũng cần xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan khi để di tích Bạch Dinh bị xâm phạm một thời gian dài.

Thành Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load