Thứ ba 05/11/2024 07:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Ba nhóm giải pháp cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Xây dựng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

09:03 | 28/11/2021

(Xây dựng) - Tổng cục Thống kê vừa đưa ra 3 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trước tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp.

ba nhom giai phap can tap trung thao go kho khan cho doanh nghiep nganh xay dung truoc anh huong cua dai dich covid 19
Nhiều khó khăn trước mắt đối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng.

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì dịch

Đại dịch Covid-19, đang phủ bóng đen u ám đến mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, cũng có những điểm sáng được các chuyên gia thống kê ghi nhận, đó là nhiều công trình xây dựng đang được triển khai là công trình chuyển tiếp từ năm trước sang có tổng mức đầu tư lớn nên các đơn vị thực hiện có nguồn công việc ổn định. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng cùng với sự “ấm” lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khải các dự án, công trình.

Thế nhưng đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay làm cho các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, không có công trình mới hoặc có công trình nhưng không thể thi công được do yêu cầu về giãn cách xã hội của chính quyền địa phương, nếu công trình nằm trong danh mục được thi công thì phải đảm bảo yêu cầu “3 tại chỗ” - thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ và ăn ở tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” - chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân làm tăng chi phí…

Anh Nguyễn Đức Hưng - Cán bộ quản lý an toàn Công ty cổ phần Fecon, đơn vị đang thi công dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 cho biết: “Dự án được phép thi công trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên công ty vẫn duy trì hơn 80 công nhân làm việc. Tuy nhiên, đối với các phần việc đơn giản, khoảng 40% lao động thời vụ đã nghỉ việc, nay thiếu hụt do phần lớn lao động chưa thể quay lại làm việc, khiến tiến độ thi công cũng chậm đi”.

Do đó, nhiều công trình thi công chậm tiến độ. Cá biệt có nhiều nhà thầu xây dựng trong nước đã ký hợp đồng xây dựng với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng bị trễ hợp đồng do không kịp tiến độ thi công nên phải đền bù hợp đồng với mức phí rất cao. Thêm vào đó, mặc dù doanh nghiệp xây dựng không hoạt động được nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay ngân hàng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm càng làm doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về vốn.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh: “Hiện Quảng Ninh là địa phương đang có sự kiểm soát dịch Covid-19 tốt nên các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ, lực lượng công nhân trên công trường được huy động trên 150%, số lượng nhân công luôn duy trì gần 2.000 người, đẩy mạnh thi công đồng loạt các hạng mục, để đảm bảo kịp thời gian hoàn thành vào cuối năm”.

Đơn cử một số dự án lớn đang được thực hiện như: Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái; Dự án Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Dự án Cầu Cửa Lục 1; Dự án nhà liền kề khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long; Dự án Marina shophouse Tuần Châu…

Một số tỉnh, thành phố tuy có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng các công trình năng lượng tái tạo vẫn được triển khai nên kết quả hoạt động xây dựng tăng khá gồm: Quảng Trị, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Có 23 tỉnh, thành phố hoạt động xây dựng giảm do ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ tư như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Đề xuất 3 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng, mới đây Tổng cục Thống kê đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cụ thể:

Nhóm giải pháp đầu tiên là nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường.

Thứ hai là, hỗ trợ doanh nghiệp ngành Xây dựng bằng các biện pháp thiết thực như: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận những dự án ngay tại địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động; giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc cấp phép và thanh quyết toán công trình xây dựng.

Đồng thời hỗ trợ tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp; tạo điều kiện trong việc nộp thuế cũng như hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép xây dựng.

Thứ ba là, các doanh nghiệp ngành Xây dựng cần đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả.

Hy vọng, những nhóm đề xuất nêu trên sẽ tạo nên bước đột phá để dẫn dắt, kích thích phần nào đó sự phục hồi của sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng. Tuy nhiên, để có những giải pháp căn cơ hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh, pháp lý... để các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.

Thời gian qua, ngành Xây dựng, Bất động sản tiếp tục không nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ về kinh tế. Còn về cơ chế chính sách thông thoáng, Bộ Xây dựng đang nỗ lực rà soát, phối hợp với các ngành liên quan để thúc đẩy đơn giản hoá thủ tục, giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn, người lao động có công ăn việc làm, vượt qua đại dịch Covid-19.

Bài Ba nhóm giải pháp cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Xây dựng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load