Thứ ba 30/04/2024 02:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

An Giang: Đầu tư dự án cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế gây thất thoát hơn 65 tỷ đồng

06:57 | 13/04/2024

(Xây dựng) - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang xác định, trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt dự án cải tạo kênh Vĩnh Tế), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp (gọi tắt Ban công trình giao thông và nông nghiệp) đã gây thất thoát hơn 65 tỷ đồng.

An Giang: Đầu tư dự án cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế gây thất thoát hơn 65 tỷ đồng
Kênh Vĩnh Tế.

Ngày 12/4, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang chuyển hồ sơ sai phạm tại dự án cải tạo kênh Vĩnh Tế sang Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ.

Kênh Vĩnh Tế từng được nạo vét năm 1997 có cao trình đáy âm 3m, chiều rộng đáy là 30m. Tuy nhiên, có đoạn hơn 2km (khu vực xã An Phú và Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) quá cạn vì có nhiều đá dưới lòng kênh không đào được, dẫn đến ghe, tàu loại lớn lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa hạn hán kéo dài.

Ban công trình nông nghiệp và nông nghiệp tỉnh An Giang (làm chủ đầu tư) cho biết, dự án cải tạo kênh Vĩnh Tế có 4 doanh nghiệp thi công nạo vét kênh Vĩnh Tế từ phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc đến xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang với tổng chiều dài gần 42km. Theo kế hoạch, thời gian nạo vét kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối năm 2020. Các đơn vị thi công sẽ nạo vét có cao trình đáy âm 3,5m (từ đáy sông xuống), nâng cấp chiều rộng từ 30m thành 35m. Tổng kinh phí đầu tư nạo vét lần này trên 230 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc thoát lũ ra biển Tây; dẫn nước từ sông Hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa khô; phát triển giao thông thủy...

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện, trong quá trình thực hiện, công trình nông nghiệp và nông nghiệp đã tự điều chỉnh bãi chứa đất phát sinh tại K40 900. Bãi chứa có khối lượng đất được đo đạc là 107.417m3, trị giá 9,1 tỷ đồng nhưng khu đất này thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Phùng Mỹ Luông (đã bị khởi tố, bắt giam trong vụ án khác). Hiện trạng khu đất này là đất nông nghiệp, sử dụng cho việc trồng lúa nước. Việc tự ý san lấp là trái quy định về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.

Mặt khác, khu đất này lại thuộc quyền sở hữu của tư nhân nhưng chủ đầu tư đã lấy đất từ dự án nạo vét để san lấp. Đồng thời dùng tiền ngân sách Nhà nước để thanh toán thi công. Từ đó, chủ đầu tư gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Khối lượng đất nạo vét đổ về các bãi chứa bị thất thoát 60%.

Nếu tính đúng phải giảm chi phí thanh toán khối lượng với số tiền 37,28 tỷ đồng, tương đương 534.998m3. Giảm chi phí thanh toán khối lượng tại bãi chứa đất của ông Phùng Mỹ Luông là 18,84 tỷ đồng, tương đương 270.302m3.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang xác định Ban công trình nông nghiệp và nông nghiệp đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước với tổng số tiền 65,22 tỷ đồng. Ông Phùng Mỹ Luông ngụ tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam trong vụ sai phạm mỏ cát lớn nhất tỉnh. Ông Nguyễn Văn Du, nguyên Giám đốc Ban vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố, bắt giam do sai phạm tại các công trình kè, chống sạt lở.

Kênh Vĩnh Tế dài 87 km, nằm ở khu vực biên giới Tây Nam, bắt đầu từ sông Châu Đốc (một nhánh sông Hậu) nối với sông Giang Thành, đổ ra biển Tây tại thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Kênh được nạo vét lần gần nhất vào năm 1997 với cao trình đáy -3m, rộng 30m.

Năm 1819, triều đình nhà Nguyễn lệnh cho đào kênh này để phát triển giao thông, phục vụ sản xuất lâu dài. 90.000 người được huy động đào kênh, hoàn thành trong 5 năm. Tên kênh được đặt theo tên vợ danh tướng Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Thoại Ngọc Hầu - người chỉ huy trực tiếp công trình.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load