Thứ sáu 26/04/2024 17:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mật độ xây dựng tại Bà Nà Hills đảm bảo đúng quy định cho phép

08:30 | 02/11/2019

(Xây dựng) – Xung quanh việc dư luận phản ánh về việc chính quyền thành phố Đà Nẵng cho phép xây dựng khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường thiên nhiên, ông Thái Ngọc Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định, mật độ xây dựng ở Bà Nà Hills so với quy định cho phép là tương đối thấp.

mat do xay dung tai ba na hills dam bao dung quy dinh cho phep
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho biết, mật độ xây dựng tại Bà Nà Hills đảm bảo đúng quy định cho phép (Ảnh: TL).

Đà Nẵng sẽ đòi lại công bằng cho Bà Nà Hills

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về một số thông tin chưa xác thực liên quan tới các dự án đầu tư tại thành phố Đà Nẵng. Trong đó phản ánh việc chính quyền thành phố cho phép xây dựng khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường thiên nhiên.

Để làm rõ vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đồng loạt có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời, khẳng định thông tin đã nêu là hoàn toàn sai sự thật.

Văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng: Những gì đang diễn ra tại Bà Nà lại trái ngược hoàn toàn với thông tin đã được đăng tải trước đó.

Nội dung văn bản khẳng định, trong khi Quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy định: Mật độ xây dựng tối đa với khu du lịch nghỉ dưỡng là 25% thì mật độ xây dựng ở Bà Nà là hơn 9%, thấp hơn gần 16% so với Quy chuẩn xây dựng nêu trên.

Công bố của Đà Nẵng về chất lượng rừng khu bảo tồn Bà Nà – Núi Chúa cũng nêu rõ, diện tích rừng giàu ngày càng tăng lên, từ hơn 8 nghìn ha năm 2008 lên hơn 17 nghìn ha năm 2017.

Từ những con số biết nói nêu trên, văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng khẳng định, những thông tin như: “Hàng trăm khối bê tông mọc lên, núi Bà Nà gục xuống” là không có căn cứ xác thực.

Ngày 14/10/2019, trong văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nêu rõ, những nội dung phản ánh là thiếu căn cứ pháp lý, thiếu sát thực, mang tính chất suy diễn, chủ quan, áp đặt... làm sai lệch về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, quản lý điều hành của chính quyền thành phố đối với ngành Du lịch nói chung và đối với hoạt động của khu du lịch Bà Nà Hills nói riêng.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những thông tin phản biện lại những thông tin chưa xác thực.

Thông tin cho rằng: “Sun Group độc chiếm Bà Nà, biến thành tài sản riêng để làm ăn, kiếm lời...”.

Bác lại những thông tin này, văn bản của UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ: “Dự án Bà Nà Hills, khởi công năm 2007 và hoàn toàn không có chuyện như dư luận lên án”.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Thái Ngọc Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định: Đến năm 2018, diện tích xây dựng ở khu du lịch Bà Nà Hill là 24,8ha thì mới chỉ tương đương với mật độ là 9,36%. Trong khi đó theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam thì ở những khu nghỉ dưỡng sẽ cho phép xây dựng với mật độ đến 25%, như vậy mật độ xây dựng ở Bà Nà Hills so với quy định cho phép là tương đối thấp.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về công tác đầu tư, chấp hành pháp luật về môi trường của Sun Group trong suốt thời gian từ xây dựng đến khai thác, kinh doanh dự án Bà Nà Hills, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng khẳng định: “Các dự án của Sun Group tại Đà Nẵng hoàn toàn không có gì trái luật cả. Cho đến nay, khi Bà Nà đã và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch chủ đạo của Đà Nẵng, có thể thấy, chính quyền Đà Nẵng cùng với Sun Group đã cùng nhau vượt qua một hành trình dài. Nhìn lại hành trình đã đi, cả Đà Nẵng và Sun Group đều có quyền tự hào!”.

Cần làm rõ những thông tin thiếu xác thực

Theo thông tin từ phía thành phố Đà Nẵng, một số phản ánh cho rằng: Sun Group “phá nát” môi trường là thiếu xác thực, bởi chưa có sự liên hệ, trao đổi cụ thể với chính quyền Đà Nẵng. Người đưa thông tin phản ánh mới chỉ một lần duy nhất liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng để được cung cấp thông tin về tác động môi trường của sân golf Bà Nà.

Cũng theo thành phố Đà Nẵng, sau khi thông tin về dự án Bà Nà và Tam Đảo 2 thì rất lâu sau đó (ngày 1/10), người đăng tải thông tin mới có văn bản gửi Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa để được đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa.

Thực tế nêu trên cũng cho thấy, một số thông tin đã nêu còn thiếu xác thực, thậm chí “quy kết” gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Sun Group cũng như Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Theo số liệu thống kê được biết, trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 – 2018, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng hơn 6 lần, từ 1,27 triệu lượt lên 7,67 triệu lượt.

Cùng với tốc độ tăng trưởng thần tốc về lượng khách đến thăm quan, du lịch, thu ngân sách từ du lịch cũng có bước phát triển vượt bậc, từ 2.273 tỷ đồng năm 2008 lên mức 22.500 tỷ đồng năm 2018.

Sun Group tuy song hành cùng Đà Nẵng nhưng còn có bước phát triển ấn tượng hơn nhiều, từ đón gần 260 nghìn lượt khách đến với Bà Nà năm 2009, năm 2018, doanh nghiệp này đã đón 3,8 triệu lượt khách (tăng gần 15 lần và chiếm khoảng một nửa lượng khách đến với Đà Nẵng).

Với một biểu tượng du lịch mang tầm cỡ thế giới, trước những thông tin sai lệch về Bà Nà Hills, phía UBND thành phố Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí kiểm tra, làm rõ, qua đó xử lý theo đúng quy định pháp luật.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load