Chiều 27/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chiều 27/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Thông qua 11 luật
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sau 28 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với nhiều nội dung quan trọng: Thông qua 11 luật; 17 nghị quyết; cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018;" tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Các luật được thông qua, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức...
Các nghị quyết được thông qua gồm: Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia và Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia...
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến các dự án luật, gồm: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp...
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị lùi thời gian xem xét, thông qua dự án Luật này sang Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo hơn, toàn diện hơn phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật.
Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7; xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xem xét, thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Hoàng Thanh Tùng.
Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và đạt sự đồng thuận cao.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8; trong đó, giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; quyết định không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013...
Tại kỳ họp này, trong thời gian 3 ngày, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng 4 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.
Các bộ trưởng khác đã tham gia trả lời chất vấn.
Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn được lựa chọn đúng và trúng, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018," Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Sau khi xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng và công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về các nội dung này.
Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi mà báo chí quan tâm.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được thông qua trong đó bổ sung quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Theo đó, quy định cụ thể các điều kiện để người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển.
Phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tham dự họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Các điều kiện gồm: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
"Trước mắt, mới chỉ có Phú Quốc đủ bốn điều kiện này. Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành thí điểm miễn thị thực cho người nước ngoài vào Phú Quốc. Kết quả đánh giá cho thấy, việc này đã đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng-an ninh, thu hút khách du lịch và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài," ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài du lịch, đầu tư vào Việt Nam.
Việc sửa đổi nhằm luật hóa nghị quyết của Quốc hội về thị thực điện tử.
Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá kỹ tác động của vấn đề này nhằm đảm bảo quốc phòng-an ninh, khắc phục bất cập, tồn tại trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động của tội phạm nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề nhân sự thay thế sau khi miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chức danh này Quốc hội chỉ phê chuẩn bổ nhiệm khi Chính phủ trình sang.
Hiện Chính phủ phân công cán bộ tạm thời đảm nhiệm công việc ở Bộ này và chưa trình nhân sự mới.
“Quốc hội chỉ phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ nên khi nào Thủ tướng chọn được Bộ trưởng và đề nghị phê chuẩn thì Quốc hội xem xét," ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong đó có quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” với người đã nghỉ hưu nhưng có sai phạm trong quá trình công tác.
Tuy nhiên, Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ quả pháp lý tương ứng với mức kỷ luật.
Làm rõ thêm về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, thể chế hóa vấn đề xử lý cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm là chủ trương lớn của Đảng, là yêu cầu của thực tiễn và phúc đáp nguyện vọng của cử tri.
Hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm về mặt Đảng đã được quy định.
Việc quy định trong Luật này nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng.
“Chính phủ sẽ quy định chi tiết về xử lý cán bộ đã nghỉ hưu. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết phải được ban hành, có hiệu lực cùng với thời điểm luật có hiệu lực, tức từ 1/7/2020," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)