Chủ nhật 22/12/2024 13:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Vi phạm trật tự xây dựng: Không còn việc ''phạt cho tồn tại''

19:57 | 27/11/2019

Từ 1/1/2018 đã “không còn có việc phạt cho tồn tại," song để bảo đảm thực hiện được, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng cần phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện.

vi pham trat tu xay dung khong con viec phat cho ton tai
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Giải trình trước Quốc hội ngày 27/11 về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định từ ngày 1/1/2018 đã “không còn có việc phạt cho tồn tại” nhưng “để bảo đảm thực hiện được, chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ.”

Vì sao “sinh ra” 8B Lê Trực, HH Linh Đàm?

Chia sẻ ý kiến tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh khi bấm nút thông qua Luật Xây dựng, các Đại biểu Quốc hội khoá 13 kỳ vọng sẽ lập lại trật tự hoạt động trong đầu tư xây dựng.

Vậy nhưng sau 4 năm thi hành, những bất cập, vướng mắc phát sinh cũng đã được chỉ ra và hệ quả là những dự án sai phạm thách thức dư luận, thể chế như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm… và hàng ngàn công trình có nguy hiểm cháy nổ được chủ đầu tư đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Ông Nhân cho rằng một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế.

Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là “với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1-6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng số tầng, diện tích sàn… thì Luật Xây dựng, các nguyên tắc cơ bản trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị 'xem thường' thế nào?”

Một vấn đề khác khiến ông Nhân băn khoăn là, cơ sở lý luận nào để giải thích cho việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đặt trong tương quan với sự “bành trướng” của cái gọi là “một vành đai, một con đường” thì liệu nó có vi phạm nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không?

“Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm mà báo cáo giám sát đã nêu?” ông Nhân đặt câu hỏi.

vi pham trat tu xay dung khong con viec phat cho ton tai
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Từ thực tế nêu trên, ông Nhân khẳng định “rõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhưng điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra.”

Ông Nhân cũng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện. Nhà nước pháp quyền tôn trọng pháp luật là đích đến của cả hệ thống chính trị, nhưng từ sai phạm này đến sai phạm khác, có những sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước thì trở lực nào đang trì hoãn con đường đi đến nhà nước pháp quyền?

“Việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng được chế định ở điều khoản nào hay nó chỉ đơn thuần chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm,” ông Nhân nêu quan điểm và cảnh báo rằng “nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội.”

Có “kẽ hở” trong việc quy trách nhiệm

Đánh giá cao về mục tiêu của Ban soạn thảo đưa ra trong lần sửa đổi Luật Xây dựng (cụ thể là đơn giản hóa những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và hoàn thiện thêm các khuôn khổ pháp lý để cải thiện cái môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng), đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường cho rằng “nếu làm được mục tiêu này, rõ ràng chúng ta sẽ tháo được một nút thắt rất lớn đối với các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng đang triển khai rất chậm.”

Tuy nhiên, điều ông Cường lo lắng là: “Nhiều công trình sau khi đưa vào quá trình vận hành, sửa chữa có khi không còn được hồ sơ, hoặc thậm chí các cơ quan quản lý hồ sơ cũng không có trách nhiệm gì đến việc thiết kế và công trình đó cần phải được bảo tu, bảo dưỡng như thế nào.” Chính vì vậy, ông cho rằng cần phải luật hóa việc quản lý, khai thác và trách nhiệm của cơ quan quản lý hồ sơ đối với công trình xây dựng.

Mặt khác, ông Cường cũng kiến nghị cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. “Chúng ta thấy những quy định về xây dựng hiện nay rất chặt tuy nhiên việc vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến nhưng lại không xử lý được. Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai.”

Phân tích rõ hơn, ông Cường cho rằng “nguyên nhân ở đây là chúng ta đang có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Đó là trách nhiệm của cơ quan, Ủy ban nhân dân địa phương hay là thanh tra xây dựng trong việc quy định này. Hai việc này đang có vẻ mập mờ và chồng lấn.”

Chính vì vậy, ông Cường đề nghị trong dự thảo phải phân định rõ trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch là của cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng thì chỉ có trách nhiệm trong quá trình xây dựng. Cụ thể, nếu phát hiện ra những sai phạm, cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý.

vi pham trat tu xay dung khong con viec phat cho ton tai
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ blockchain để đưa tất cả những thông tin này lên bất kể một cơ quan, cá nhân nào tham gia vào quá trình xây dựng, đề xuất triển khai xây dựng thì sẽ dễ dàng quản lý được những sai phạm. Người cấp phép cũng dễ dàng biết được điều kiện của mình có thỏa mãn hay không. Tôi cho rằng đấy sẽ là một yếu tố cốt lõi trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của quản lý xây dựng trong tương lai,” ông Cường nhấn mạnh.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, Bộ trường Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận các vấn đề bức xúc tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng được các đại biểu nêu ra là xác đáng. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, theo ông Hà, phải bằng cả việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, sau khi có tổng kết, đánh giá, đơn vị này sẽ có kiến nghị với Quốc hội về điều chỉnh pháp luật có liên quan để mở rộng trong toàn quốc.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 1/1/2018 không còn việc phạt cho tồn tại. Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.

“Tất nhiên để bảo đảm thực hiện được, chúng ta phải thực hiện chặt chẽ tất cả các khâu,” vị tư lệnh ngành xây dựng nhấn mạnh./.

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load