Thứ ba 05/11/2024 05:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

12:54 | 04/11/2024

Theo đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Phát biểu ý kiến, đề cập vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác chống lãng phí.

Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). (Ảnh: DUY LINH)

Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quốc hội thực hiện giám sát tối cao và ban hành nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thêm nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân, đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Đây là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội.

Bài viết đã đánh giá lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

​Nói về nguyên của tình trạng trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí
Các đại biểu dự phiên họp sáng 4/11. (Ảnh: DUY LINH)

Bên cạnh đó, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, của Nhà nước không hiệu quả. Nhưng thực tế, theo đại biểu, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.

“Một chuyên gia nước ngoài đã nhận định rằng, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp. Bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Một nguyên nhân nữa được đại biểu đoàn Nam Định chỉ ra là bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án gần địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực.

Sự năng động nhưng do cách làm nóng vội, tính toán chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình thủ tục nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Vừa qua một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.

Ngoài ra, chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, chủ yếu mang tính cảnh báo, nhắc nhở.

Từ đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lo ngại tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế làm vật liệu thông thường.

Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). (Ảnh: DUY LINH)

Cũng về vấn đề chống lãng phí, ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Đây là một con số rất lớn.

Theo đại biểu, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

“Con số hơn 3000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tính hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu phân tích.

Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu kiến nghị cần tập rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp…

Theo Văn Toản/Nhandan.vn

Cùng chuyên mục
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Các đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025

    (Xây dựng) – Kết luận Phiên thảo luận ngày 4/11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm.

  • Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án quan trọng quốc gia

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

  • Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực

    Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

  • Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

    (Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load