Thứ ba 05/11/2024 05:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Toàn văn Bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

21:29 | 27/11/2019

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chiều 27/11 tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội.

toan van bai phat bieu be mac ky hop thu 8 quoc hoi khoa xiv
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 27/11, tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc Kỳ họp thứ 8 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

“Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý,

Thưa đồng bào và cử tri cả nước,

Sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp.

Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.

Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.

Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Việc phê chuẩn hai văn kiện này sẽ là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược, toàn diện giữa Nhà nước và Nhân dân hai nước; đồng thời là cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại về phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu Quốc hội đề ra về kinh tế-xã hội.

Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình phức tạp ở Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, về nguồn lực đầu tư và đây là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Tại phiên giám sát tối cao về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018,” bên cạnh ghi nhận những mặt đạt được trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại, phân tích rõ nguyên nhân; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp chấn chỉnh những bất cập, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng như ý thức người dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và toàn dân để tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao cả về nhóm vấn đề được lựa chọn, chất lượng chất vấn cũng như phần trả lời chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực phụ trách.

Quốc hội ghi nhận và đề nghị các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành sớm có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện cho được những cam kết trong thực tế đạt hiệu quả cao nhất.

Quốc hội đã thảo luận kỹ, cân nhắc thận trọng, xem xét một cách toàn diện các yếu tố và quyết định các nội dung quan trọng về công tác tư pháp; về việc khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và một số nội dung khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Việc miễn nhiệm và bầu cử nhân sự mới được tổ chức thực hiện bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao.

Với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban hành và rất nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại kỳ họp đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường; sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí, tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.

Kết quả kỳ họp tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Tại kỳ họp này, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội.

Kính thưa Quốc hội, Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo.

Đây cũng là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng như: tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Đây cũng là năm chúng ta bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41...

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mới có thể bảo đảm hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn và những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020.

Đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội vừa được thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có những giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý cũng như bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Đồng thời, cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu Nhân dân.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự, theo dõi kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đơn vị phục vụ đã hoạt động trách nhiệm, hiệu quả; cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp ý kiến quý báu của cử tri và Nhân dân đã góp phần vào thành công của kỳ họp.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị đại biểu Quốc hội và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Xin trân trọng cảm ơn”./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Các đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025

    (Xây dựng) – Kết luận Phiên thảo luận ngày 4/11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm.

  • Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án quan trọng quốc gia

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

  • Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực

    Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

  • Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

    (Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

  • Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

    Theo đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

  • Mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ Việt Nam và ba nước Trung Đông

    Chuyến thăm UAE, Saudi Arabia và Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước Trung Đông.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load