Thứ ba 05/11/2024 05:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Đề xuất ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng

21:35 | 27/11/2019

(Xây dựng) – Để siết chặt công tác quản lý trật tự xây dựng, cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng sửa đổi, trong phiên thảo luận lần đầu tại hội trường (ngày 27/11), Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc thu nhận, xử lý hình ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Đề xuất ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng
Camera, flycam sẽ ghi lại các vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan quản lý căn cứ vào đó để xử lý sai phạm (Ảnh: VT).

Camera, flycam ghi lại các công trình vi phạm trật tự xây dựng

Theo đại biểu Lê Quang Trí, thời gian qua có rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, có nhiều công trình xây dựng không phép, nhiều công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, sai với thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định. Cụ thể, đã có nhiều công trình xây dựng vượt số tầng cho phép trong trung tâm thành phố, thị xã. Nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại các huyện vùng ven của thành phố, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng. Nguyên nhân chính là do thiếu lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát và do người dân không có điều kiện giám sát.

“Theo tôi, để giải quyết khó khăn này, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc thu nhận, xử lý hình ảnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng đô thị”, Đại biểu Lê Quang Trí đề nghị.

Theo Đại biểu, để triển khai thực hiện cần có quy định ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Khi có quy định này, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm đầu tư các thiết bị như flycam, camera để thu thập hình ảnh các công trình đang xây dựng có phép cũng như các công trình xây dựng không phép vừa mới mọc lên. Các hình ảnh này sẽ được chuyển đến máy tính xử lý, so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn và đưa ra thông tin cảnh báo các công trình vừa mới vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

“Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Như vậy, sẽ không còn xảy ra việc phải phá dỡ công trình vi phạm, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và không còn việc cán bộ phải bị xử lý kỷ luật do quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo”, Đại biểu Lê Quang Trí bày tỏ.

Trước đó, cho ý kiến về việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xây dựng, theo Đại biểu Lê Quang Trí, tại khoản 9, Điều 4 về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng có quy định đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng, tăng cường phát triển khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh, công trình xanh, công trình và sản phẩm xây dựng tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng theo lộ trình do Chính phủ quy định và tại khoản 1, Điều 10 về chính sách khuyến khích trong hoạt động xây dựng có quy định tổ chức, cá nhân trong nước, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học, công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu mới tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Đại biểu Lê Quang Trí, quy định như vậy là chưa đủ mạnh và chưa toàn diện đối với hoạt động xây dựng. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung một điều riêng về nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xây dựng.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng công trình

Cho ý kiến về Khoản 2 quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý chất lượng công trình, theo Đại biểu Lê Quang Trí, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng luật hiện hành đã quy định tại các điều khoản sau: Tại khoản 4, Điều 4, dự thảo Luật về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng có quy định bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn thi công xây dựng công trình, bảo vệ cảnh quan môi trường; Tại Điều 66 về nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng; Tại Điều 69 về quyền và nghĩa vụ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Tại Điều 111 về yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều công trình xây dựng có chất lượng thấp, công trình vừa được nghiệm thu đã xuống cấp, tuổi thọ công trình ngắn.

Nguyên nhân là do lực lượng kiểm tra giám sát còn mỏng hoặc do giám sát quá trình thi công còn lỏng lẻo dẫn đến việc thi công xây dựng công trình không đúng với bản vẽ thi công. Do đó, rất cần quy định về việc ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý chất lượng công trình xây dựng như ưu tiên đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, để kiểm tra nhanh chất lượng vật liệu xây dựng cũng như kiểm soát khối lượng vật liệu xây dựng trong quá trình thi công.

Cùng cho ý kiến về việc ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý xây dựng, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải luật hóa khi được ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý về xây dựng, bởi những hồ sơ xây dựng thì có rất nhiều, quy trình về xin phép, cấp phép xây dựng, thẩm tra xây dựng cũng rất phức tạp và tất cả cần phải công khai hóa.

“Nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ blockchain để đưa tất cả những thông tin này lên bất kể một cơ quan, cá nhân nào tham gia vào quá trình xây dựng, đề xuất triển khai xây dựng và quản lý chúng ta đều đưa vào hệ thống thông tin đó thì chúng ta sẽ rất dễ dàng quản lý được những sai phạm. Đồng thời người cấp phép cũng dễ dàng biết được điều kiện của mình có thỏa mãn hay không. Tôi cho rằng đấy sẽ là một yếu tố cốt lõi trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của quản lý xây dựng trong tương lai”, Đại biểu Hoàng Xuân Cường kiến nghị.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load