(Xây dựng) – Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quy hoạch, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong quy hoạch đô thị và nông thôn, ứng dụng VIUP-NCD 2024”.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng VIUP đánh giá Hội thảo đã thành công với mục tiêu phổ biến ứng dụng VIUP-NCD2024 đến các đối tác, nhà quản lý và cán bộ trong Viện. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng VIUP cho biết, Viện đang trong quá trình chuyển đổi số với trọng tâm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác lập quy hoạch, gắn liền với công tác phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
ThS.KTS Hà Cao Luận đã chủ trì nghiên cứu thiết kế ứng dụng với tên gọi VIUP-NCD24 nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý về quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ nghiên cứu lập quy hoạch. Ứng dụng này đã được thử nghiệm trong nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh do VIUP chủ trì.
Thông qua Hội thảo lần này, VIUP muốn phổ biến ứng dụng này rộng rãi hơn, đồng thời lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý từ Bộ Xây dựng, các chuyên gia đến từ World Bank, Đại học RMIT, Công ty TNHH ESRI Việt Nam…
Tại Hội thảo, ThS.KTS Hà Cao Luận đã giới thiệu sự cần thiết của việc thiết kế cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số, mục tiêu, quá trình nghiên cứu và các nội dung chính của ứng dụng VIUP-NCD2024 như thực trạng, thiết kế cơ sở dữ liệu, quy trình số cấp thiết, thực nghiệm và những định hướng tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các kiến nghị đối với VIUP và cơ quan quản lý Nhà nước.
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong quy hoạch đô thị và nông thôn, ứng dụng VIUP-NCD 2024”. |
Trong phần thảo luận, bà Lý Hồng, đại diện Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã trao đổi về Thông tư 04/2022/TT-BXD quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn; những nội dung bất cập dự kiến sẽ điều chỉnh trong thời gian tới và một số lưu ý trong ứng dụng này ở các bước nghiên cứu tiếp theo.
Ông Vũ Tuấn Vinh, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, VIUP-NCD2024 là một ứng dụng rất tốt, có khả năng áp dụng ở cấp độ Viện, nhưng cần có kết nối giữa dữ liệu của Viện với dữ liệu của các đơn vị khác, các ngành khác, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Ngoài ra, VIUP cũng phải nghiên cứu thiết kế ứng dụng có khả năng thích ứng linh hoạt khi các quy định quản lý của Nhà nước thay đổi.
Trong khi đó, ThS.KTS Nguyễn Xuân Anh (VIUP) đã trao đổi về việc nghiên cứu bổ sung một số thuộc tính của ứng dụng như đối tượng, tính mở, vùng phủ… Bà Thục Anh, chuyên gia về GIS của World Bank chia sẻ về tầm quan trọng của việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, những khó khăn, thách thức trong công tác chuyển đổi số trong quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn thành phố Huế và đề xuất phối hợp tiếp tục thử nghiệm chuẩn hóa một số dữ liệu thí điểm hỗ trợ cho Sở Xây dựng Huế trong công tác chuyển đổi số. Đại diện trường Đại học RMIT trao đổi về việc khai thác ứng dụng Big Data và phổ biến rộng rãi ứng dụng này.
Phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng VIUP đánh giá Hội thảo đã thành công với mục tiêu phổ biến ứng dụng VIUP-NCD2024 đến các đối tác, nhà quản lý và cán bộ trong Viện. Thông qua Hội thảo, Viện cũng muốn đồng hành cùng các bên liên quan trong các bước tiếp theo như phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để phát triển ứng dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước và điều chỉnh Thông tư 04/2022/TT-BXD gắn với GIS; phối hợp với World Bank triển khai ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số tại Sở Xây dựng thành phố Huế; hợp tác trong đào tạo với Công ty ESRI Việt Nam.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của VIUP sẽ tiếp tục hoàn thiện ứng dụng này để có thể sớm đưa vào giai đoạn ứng dụng trong thực tế trên phạm vi rộng hơn.
Phương Trang (Ảnh: VIUP)
Theo