(Xây dựng) – Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác định, phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các rào cản nhằm góp phần vào thắng lợi chung của chuyển đổi số Quốc gia…
Bình Dương rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. |
Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ đã nêu rõ: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai chương trình tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, các nền tảng số, mạng xã hội và các phương tiện điện tử khác; cụ thể hóa nội dung tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp; kế hoạch tuyên truyền phải có mục tiêu, có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, định kỳ đo lường và công bố kết quả.
Rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số.
Đồng thời ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, xây dựng cơ sở pháp lý và đề án để hình thành Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược; xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược; xây dựng đề án phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược.
Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược; xây dựng đề án đầu tư năng lực cho các tổ chức nghiên cứu phát triển công lập. Rà soát, tổ chức quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, nhất là đất hiếm để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Trước những khó khăn trong quá trình triển khai, tỉnh Bình Dương đã giao Sở, ngành chuyên môn để tập trung “gỡ vướng” phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. (Ảnh Công TT Bình Dương) |
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, với những đặc trưng riêng, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc như: Hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn lực tài chính hạn chế, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số chưa đồng đều và hạn chế và chính sách dành cho doanh nghiệp chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.
“Mạng và dịch vụ viễn thông tại các vùng nông thôn và vùng xa có nơi mạng tốc độ cao còn thiếu, sóng di động còn yếu gây khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ số. Bên cạnh đó, mặc dù có tuyên truyền, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng người dân nông thôn chưa thấy rõ lợi ích và chưa chủ động tham gia. Thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin mạng. Đầu tư cho hạ tầng, công nghệ và con người còn hạn chế, dẫn đến một số dự án chuyển đổi số bị chậm tiến độ hoặc chưa triển khai đúng kế hoạch. Nguồn chi hàng nawmg không đủ, có sự cắn xén cho các công trình trọng điểm, phân bổ kinh phí cuối kỳ nên không kịp triển khai và thủ tục đầu tư dự án còn khá phức tạp…”, ông Nguyễn Văn Lợi cho hay.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia.
Tỉnh Bình Dương đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung tại Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh xác định việc Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển, phải là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm cả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các chính sách cần nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, như đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng nền tảng số để tăng cường khả năng tương tác giữa chính quyền và người dân.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao nhận thức. Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Phát triển các dịch vụ công trực tuyến toàn diện: Tiếp tục chuẩn hóa quy trình xử lý, đảm bảo cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ toàn trình và liên thông dữ liệu. Số hóa lĩnh vực trọng điểm như công chức, viên chức; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; giao thông và quản lý đô thị... cần được số hóa toàn diện, đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Công Danh
Theo