(Xây dựng) - BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Với hệ thống pháp lý và chính sách thúc đẩy áp dụng BIM về cơ bản đã định hình, việc áp dụng BIM vào thực tế sẽ là nhân tố then chốt cải thiện quy trình quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiệu quả hơn.
Hệ thống pháp lý cơ bản hoàn chỉnh
Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling – BIM) là công nghệ sử dụng mô hình ba chiều (3D) để tạo ra, phân tích và truyền đạt thông tin của công trình. Việc ứng dụng công nghệ BIM trong lĩnh vực xây dựng giúp các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu… đưa ra quyết định, đánh giá xuyên suốt quá trình thiết kế và xây dựng; giúp các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kỹ thuật… phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng.
Theo Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), BIM đã được áp dụng mạnh mẽ trong khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã bước đầu làm chủ việc áp dụng BIM trong thiết kế và thi công xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp và gặp nhiều rào cản, trong đó có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng BIM.
Để sớm đưa BIM vào áp dụng thực tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng nhiệm vụ xây dựng Lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM tại Quyết định số 258/QĐ-TTg. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển BIM tại Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2: Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Theo các chuyên gia, đến nay, cơ chế, chính sách liên quan đến việc áp dụng BIM tại Việt Nam đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15/2021/NĐ-CP), Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hay Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.
Mới nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD ngày 30/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021, trong đó có hướng dẫn xác định chi phí áp dụng BIM.
BIM - Xu hướng tất yếu ngành Xây dựng
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành các ngành nghề, trong đó có ngành Xây dựng, là hết sức cần thiết và trở thành xu hướng tất yếu. Việc tiếp cận và áp dụng BIM trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho các dự án.
BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ vòng đời của nó được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô hình sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống. Việc áp dụng BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia, tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.
Ông Lê Quang Thắng - Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp BECAMEX IDC cho biết: Đơn vị đã và đang áp dụng công nghệ BIM vào các khâu thiết kế, thi công, vận hành các công trình dân dụng và hạ tầng giao thông như là một thành tố quan trọng trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tạo ra sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
“Việc áp dụng BIM tại BECAMEX IDC mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư. Cụ thể, trong giai đoạn thiết kế, việc tạo dựng mô hình 3D giúp chủ đầu tư có cái nhìn trực quan, rõ ràng công trình hình thành trong tương lai, từ đó yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh thiết kế phù hợp một cách nhanh chóng và dễ dàng” - ông Lê Quang Thắng khẳng định.
Còn tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp), đơn vị đã sử dụng công nghệ BIM để tối ưu hóa toàn bộ quy trình xây dựng từ thiết kế, sản xuất đến thi công kể từ năm 2014. Trong giai đoạn thiết kế, Xuân Mai Corp áp dụng BIM để triển khai các hồ sơ thiết kế, kiểm soát xung đột và va chạm, phối hợp 3D đa bộ môn để tăng tính trực quan và kiểm soát phương án thiết kế tốt hơn. Cùng với đó, công ty đã tự xây dựng hệ thống quản lý trao đổi BIM chung (CDE) để thuận tiện cho việc áp dụng BIM trong giai đoạn sản xuất, thi công và quản lý điều phối.
Việc đưa mô hình thông tin công trình BIM vào ứng dụng thực tiễn là vấn đề đáng quan tâm của ngành Xây dựng hiện nay. Qua nhiều cuộc hội thảo, tập huấn để triển khai mô hình BIM diễn ra trong thời gian qua, nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương mong muốn các cơ quan, đơn vị trong ngành Xây dựng sớm có giải pháp, chiến lược để mô hình này được triển khai rộng khắp, tăng hiệu quả quản lý, đảm bảo chất lượng công trình, qua đó góp phần vào chiến lược số hóa ngành Xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử.
Tiến Hào
Theo