(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Tọa đàm do Trung tâm Đào tạo và hợp tác quốc tế - Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) phối hợp với Công ty GMP (Đức) tổ chức ngày 21/01.
Viện trưởng Hồ Chí Quang phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) Hồ Chí Quang nhấn mạnh việc thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị định 175/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng.
Trong đó, việc đào tạo về BIM (Building Information Modeling - Mô hình thông tin xây dựng) là rất cần thiết vì BIM có vai trò quan trọng trong quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng như lập mô hình thông tin hiện trạng công trình; xây dựng mô hình thiết kế; phân tích kết cấu; phân tích hệ thống chiếu sáng, hệ thống năng lượng...
Kể từ năm 2025, việc áp dụng BIM là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Chính vì vậy, Viện trưởng Hồ Chí Quang đề nghị các đơn vị và kiến trúc sư toàn Viện cần quan tâm nghiên cứu, ứng dụng BIM mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia quản lý BIM Phan Ngọc Hương trình bày tổng quan về ứng dụng BIM trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, quản lý công trình xây dựng. |
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, BIM là công cụ hiệu quả để hỗ trợ quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu...
Do đó, việc áp dụng BIM là điều tất yếu và cần định hướng, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ trong môi trường mô hình thông tin công trình; nâng cao chất lượng, năng suất, năng lực cạnh tranh, và là cơ sở cho công cuộc chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện Công ty GMP (Đức), chuyên gia quản lý BIM Phan Ngọc Hương đã trình bày tổng quan về ứng dụng BIM trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, quản lý công trình xây dựng. Công ty GMP đã trình chiếu, giới thiệu một số công trình tiêu biểu được ứng dụng, quản lý bởi BIM như Tòa nhà Quốc hội Lào do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, công trình này được ứng dụng BIM từ khâu lập dự án, dự toán công trình, thiết kế thi công xây dựng, nghiệm thu cho đến quản lý bảo dưỡng công trình và đưa vào sử dụng.
Tọa đàm có sự tham gia của Ban lãnh đạo VIAr và Trưởng, Phó phụ trách các đơn vị trực thuộc cùng toàn thể kiến trúc sư đang làm việc tại các đơn vị. |
Chuyên gia Công ty GMP còn cho biết, ứng dụng BIM trong xây dựng có thể thực hiện đến 7 cấp độ, từ 3D - 7D, bao gồm: 3D là mô hình kích thước 3 chiều; 4D là khai thác thông tin từ 3D chuyển qua các ứng dụng khác để lập kế hoạch thi công, báo cáo, thống kê; 5D là khai thác thông tin 3D, 4D để lập dự toán nhanh chóng theo thời gian thực; 6D là kết nối thông tin từ nhiều đối tác; 7D là vấn đề quản trị, trong đó có quản trị thời gian, nhân sự, khối lượng và kế hoạch khác cho vòng đời dự án.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các đơn vị, các kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế công trình đã trao đổi, thảo luận cởi mở về những nội dung liên quan tới ứng dụng BIM và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó làm rõ các thắc mắc về áp dụng BIM trong thiết kế tại VIAr trong thời gian qua và tiến đến ứng dụng mạnh mẽ trong thời gian tới.
BIM có vai trò quan trọng trong quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng. (Ảnh minh họa) |
Nhân dịp này, chuyên gia quản lý, đào tạo BIM của Công ty GMP đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo và hợp tác quốc tế tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực BIM của cán bộ, kiến trúc sư, kỹ sư của VIAr.
Phát biểu bế mạc, Viện trưởng Hồ Chí Quang cảm ơn chuyên gia Công ty GMP đã tích cực phối hợp với Viện để tổ chức thành công Tọa đàm nhằm trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy ứng dụng BIM trong lập dự toán đầu tư xây dựng, thiết kế kiến trúc công trình, quản lý công trình xây dựng đạt hiệu quả.
Phương Trang (Ảnh: Hải Nam)
Theo