(Xây dựng) – Trong khi nhiều địa phương hân hoan về đích Nông thôn mới, thì tại Yên Thế (Bắc Giang), những cung đường “đau khổ” nối liền 2 xã Đông Sơn và Đồng Hưu vẫn ngày ngày “tra tấn” người dân bởi những ổ trâu, ổ voi khiến mưa lớn thì lầy lội còn thời tiết hanh khô lại bụi bặm, ô nhiễm ngập trời. Không chỉ vậy, tại địa phận mỏ than Bố Hạ, việc các đội khai thác than thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang ngày đêm khai thác, nổ mìn, đổ thải không đúng nơi quy định cũng khiến cho đường xá, khung cảnh xung quanh khu vực đền Cô Chín Thượng bị xâm hại và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những núi phế thải chất đen đặc chân đền Cô Chín Thượng
Đền Cô Chín Thượng, nơi thờ cô Chín Thượng Ngàn tọa lạc tại thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, đặt chân đến đền Cô Chín Thượng bây giờ, nhiều người sẽ khó lòng tin nổi bởi vùng đất trù phú ngày nào, nơi cháu con Cô Chín Thượng Ngàn bao năm gây dựng, nay đã bị tàn phá và cày nát đến tang thương. Tại địa phận phía dưới chân đền, khu vực Đền Trắng và địa phận nối 2 xã Đồng Hưu và Đông Sơn (Yên Thế - Bắc Giang), những tán rừng xanh nay được thay thế bởi màu đen u ám của những núi phế thải khổng lồ xuất phát từ mỏ than Bố Hạ; những thửa ruộng bậc thang tăm tắp những ngô khoai nay chỉ còn trơ những dải than đá ngổn ngang, chủ yếu phục vụ cho việc đổ thải.
Những núi phế thải chất đen chân đền Cô Chín Thượng |
Đã ngoài 80 tuổi, cụ Vũ Văn Thuyết vẫn chưa khỏi tiếc nuối khi nói về vùng đất nơi đây: “Gia đình tôi lên khai hoang ở vùng đất này từ những năm 70, xưa kia nơi này chỉ là những đồi vải thiều, ngô, khoai, sắn… quanh năm tươi tốt. Nhiều năm trước đây có nạn khai thác than thổ phỉ, nhưng sau đó Nhà nước đã cấm. Tưởng rằng từ đó dân chúng ổn định làm ăn nhưng từ ngày có Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang về khai thác, cuộc sống của người dân chúng tôi đã không còn bình yên nữa”.
Cụ Thuyết cũng cho biết: “Xung quanh đền Cô Chín Thượng linh thiêng bây giờ xe tải ngày đêm gầm rú, các núi phế thải chất đen đặc làm mất mỹ quan khiến đường xá lầy lội, không khí thì ô nhiễm. Người dân chúng tôi xót xa lắm mà chẳng biết kêu ai”.
Cũng theo các hộ dân, các núi phế thải tại địa phận mỏ khai thác thuộc 2 xã Đông Sơn và Đồng Hưu được đổ bừa bãi chồng lên nhau không ai kiểm soát, và chỉ cần một trận mưa lũ lớn là hàng chục hộ dân sinh sống phía dưới núi phế thải (dưới chân đền Cô Chín Thượng) sẽ bị san phẳng.
Theo chân người dân địa phương, phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận thực tế tại vị trí mỏ khai thác của Công ty Xuân An (thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang). Tại đây, hàng chục máy múc và xe tải cỡ lớn ngày đêm hoạt động, lượng phế thải lớn liên tục được xuống chân đèo, ruộng canh tác của dân và phía moong than kế cận.
Phế thải của Công ty Xuân An được đổ xuống ruộng và đổ sang mỏ than khác. |
“Ngày nào máy múc và xe tải cũng hoạt động từ sáng sớm đến tận 23 giờ đêm. Những tiếng gầm rú đinh tai, nhức óc, ban ngày đã đành nhưng đến tận đêm muộn thì dân chúng tôi làm sao sống nổi”, một hộ dân sinh sống gần mỏ khai thác cho biết.
Cũng theo quan sát, nằm ngay sát vị trí đường dân sinh, mỏ than của Tập đoàn Tam Cường, rộng hàng chục nghìn mét, sâu chừng vài chục mét (thuộc địa phận xã Đông Sơn), hiện mỏ này đã không còn khai thác nhưng cũng không được rào chắn cẩn thận.
Các hộ dân cho biết, vài năm trước đã có trường hợp một bé trai chơi trên bờ, chẳng may trượt chân ngã xuống mỏ tử vong. Sự việc đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, nhưng nhiều năm nay mỏ này vẫn nằm đó, không rào chắn như một sự thách thức đối với chính quyền và người dân địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND xã Đông Sơn cho biết: Mỏ khai thác tại vị trí giáp ranh 2 xã Đông Sơn và Đồng Hưu là của Công ty Xuân An. Phạm vi đổ thải đã được phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Thế xác định là không đúng quy định, bởi không được phép đổ xuống ruộng và đổ sang moong kế cận. Hơn nữa về quy hoạch bãi đổ thải đến nay tỉnh cũng chưa cấp nên có thể do họ tự thỏa thuận với nhau.
Nỗi ám ảnh “than mìn” và con đường “đau khổ”
Không chỉ riêng vấn để đổ thải, việc kinh hoàng hơn phải nhắc tới là việc nổ mìn giống như thời loạn, nổ không đúng quy định đang khiến cho đời sống nhân dân khu vực xóm Đèo Vàng (nay là thôn Trại Mới, xã Đồng Hưu) bị hoang mang và xáo trộn.
Vợ chồng chị Hải, gia đình bị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi việc nổ mìn từ Đội 6 (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang) cho biết: “Ngày 2 ca, hôm nào cũng vậy, hàng tấn mìn được nổ ngay sau lưng nhà tôi. Có những khi ăn cơm mà bát đĩa, nhà cửa rung lắc, đất đá văng xuống tường nhà và sân vườn. Bờ bãi, cây cối nhà tôi cũng bị sạt lở hết”.
Mìn của Đội 6 (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang) nổ sau lưng nhà dân khiến bờ bãi, cây cối sạt lở nghiêm trọng. |
Chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Làn, người dân sinh sống gần đó cũng bức xúc cho biết: Mìn nổ sát vách nhà con gái tôi, khiến mẹ con nó phải đi sơ tán vì không thể ở đó được. Nhiều hôm chúng tôi đi làm bãi, mà mìn nổ đá bay vèo vèo qua đầu. Đã có lần đoàn kiểm tra của tỉnh về, thế nhưng họ cũng chỉ kiểm tra cho có, chứ cứ “phong bì”, “phong bao” xong, mìn lại nã ngay sau đầu chúng tôi”.
Mìn nổ khiến đá văng trúng nhà dân. |
Không chỉ nhức nhối bởi vấn nạn nổ mìn vô tội vạ, theo quan sát của phóng viên, con đường chạy dọc mỏ than Bố Hạ (đoạn nối xã Đông Sơn và xã Đồng Hưu) cũng đã bị những xe tải trọng lớn cày nát khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn, nhất là những khi mưa lớn.
“Nắng ráo thì bụi bặm còn mưa lớn thì trơn trượt, lầy lội. Tại những khu vực sâu hơn người ta đã đổ bê tông hết cả. Nhưng chỉ riêng con đường này, đoạn nối từ chợ Mỏ Than (xã Đồng Hưu) đến gần chợ Đông Sơn (xã Đông Sơn) là dừng không cho đổ bê tông nữa. Bao năm rồi, người dân và con đường “đau khổ” khu vực này không hề được chính quyền quan tâm”, chị Vân, người dân sống tại khu vực này bức xúc chia sẻ.
Người dân 2 xã Đông Sơn và Đồng Hưu khổ sở với con đường cứ mưa xuống là lầy lội. |
Theo tìm hiểu, mới đây tại Hội nghị tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2019, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND Bắc Giang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là huyện Yên Thế, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã vẫn chưa được quan tâm triển khai. Cụ thể như tuyến đường huyết mạch chạy qua thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn, nối liền thôn Vi Sơn, Đồi Hồng, chạy thẳng lên Lạng Sơn; tuyến đường ổ trâu, ổ voi nối liền 2 xã Đông Sơn và Đồng Hưu.
Còn nắng lên lại bụi bặm, ô nhiễm. |
Tại địa bàn huyện Lạng Giang, mặc dù đã về đích Nông thôn mới, nhưng con đường huyết mạch nối liền hai huyện Lạng Giang và Yên Thế (Tỉnh lộ 265) lại có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà” như những “hố bom”… tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân sinh sống dọc tuyến đường.
Trước thực tế nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, chính quyền địa phương các cấp sớm có biện pháp chỉ đạo kịp thời, nhằm xử lý nghiêm những bất cập về vấn nạn nổ mìn, đổ thải tại khu vực mỏ than Bố Hạ; Đồng thời yêu cầu các địa phương nêu trên chỉnh trang đường xá, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 07/2017/NQ- HĐND nhằm góp phần ổn định đời sống người dân, tránh để thực trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Kim Thoa – Vũ Bích
Theo