Chủ nhật 28/04/2024 02:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Định (Thanh Hóa): Giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư số 3 có thực hiện đúng quy định của pháp luật?

19:13 | 28/07/2023

(Xây dựng) - Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn “cầu cứu” của ông Trịnh Văn Dung và một số hộ khác, trú tại thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định về việc UBND huyện Yên Định ra quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án Khu dân cư số 3, nhưng chưa giải quyết thỏa đáng, đầy đủ quyền lợi cho họ.

Yên Định (Thanh Hóa): Giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư số 3 có thực hiện đúng quy định của pháp luật?
Đại diện các hộ dân trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vụ việc.

Theo trình bày của ông Dung và các hộ khác, vừa qua UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân thị trấn để thực hiện dự án Khu dân cư số 3. Nhưng trong quá trình triển khai dự án, có nhiều bất cập, sai sót trong khâu kiểm đếm, áp giá đền bù không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt thòi quyền lợi của người dân (40.000 đồng/m2).

Cụ thể, về quy mô, tính chất của dự án: Với diện tích đất nông nghiệp thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng 10,3ha, thẩm quyền phê duyệt thuộc Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay, các hộ chưa nhận được thông tin về văn bản này. Trong 10,3ha thu hồi, diện tích dành cho bồi thường tái định cư có 34 hộ, trong đó chỉ có 14 hộ tái định cư, còn lại là đất trả đất, số còn lại được chia lô, bán nền. Do đó, đây là dự án mang tính thương mại, phải thỏa thuận với dân về mức đền bù.

Về áp giá đền bù: Theo các Điều 112, 113, 114 Luật Đất đai năm 2013, quy định về “nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá đất và giá đất cụ thể”, khi Nhà nước thu hồi đất của nhân dân vào mục đích an ninh, quốc phòng hoặc phát triển kinh tế - xã hội, mức giá đền bù phải “phù hợp với giá phổ biến thị trường”. Nhưng, yêu cầu làm rõ căn cứ pháp lý mà huyện tính giá đền bù cho dân chưa được làm rõ. Ngoài ra, về việc tính giá tài sản trên đất, khu vực phải thu hồi là vùng đất quy hoạch sản xuất rau an toàn, nhiều năm qua đã được các hộ góp hàng tỷ đồng, xây dựng đường sá, mương phục vụ sản xuất, nhưng chính quyền không có phương án trả lại cho dân.

Về hậu quả do thu hồi đất: Với nhiều gia đình, ruộng đất là tư liệu sản xuất duy nhất, bị thu hồi cũng đồng nghĩa với việc mất kế sinh nhai, rơi vào túng quẫn. Ngoài ra, phần lớn diện tích thu hồi dành cho phân lô bán nền, trong khi thị trường nhà đất tại Yên Định đang trầm lắng, đất nền không có người mua. Do đó, việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng hạ tầng rồi bỏ hoang, tiền đầu tư không được thu hồi, trong khi dân mất đất sản xuất, gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân.

Với những nội dung trên, sau khi nhận đơn và về cơ sở gặp trực tiếp một số hộ dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã làm việc với ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Hoàng Văn Tiến - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Được biết, Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư số 3, thị trấn Quán Lào (bao gồm cả khu tái định cư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 45 vào cụm công nghiệp phía Tây Bắc thị trấn Quán Lào), có tổng diện tích 94.142,6m2, tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, dự án có 105 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Do cho rằng mức đền bù chưa phù hợp, đến nay vẫn còn 27 hộ dân chưa nhất trí nhận đền bù để bàn giao mặt bằng, sau quá trình tuyên truyền, vận động không có kết quả. Ngày 26/5/2023, UBND huyện đã ban hành Quyết định cưỡng chế, thu hồi đất những trường hợp này. Tuy nhiên, với mong muốn không phải thực hiện cưỡng chế, UBND huyện đã tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ dân, tạm dừng cưỡng chế.

Tại các cuộc đối thoại giữa UBND huyện và đại diện 28 hộ dân, những câu hỏi, ý kiến thắc mắc của người dân đã lần lượt được trả lời, giải thích cụ thể. Bao gồm vấn đề chính như sau: Về quy mô thực hiện dự án theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, diện tích 9,41ha. Căn cứ thực hiện dự án thuộc thẩm quyền, quyết định chủ trương đầu tư của UBND huyện, thông qua danh mục thu hồi đất của HĐND tỉnh (theo quy định tại Điều 58, Luật Đất đai, dưới 10ha việc chuyển mục đính sử dụng đất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh). Tính chất của dự án nhằm mục tiêu xây dựng thị trấn Quán Lào theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, hình thành không gian đô thị của thị trấn và tạo nguồn ngân sách tái đầu tư các công trình phúc lợi.

Về giá đền bù, dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mức giá bồi thường theo quy định điều 74 Luật Đất đai, xác định mức giá cụ thể theo mục đích sử dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (đất trồng lúa). Theo quy định của pháp luật, Nhà nước đã ban hành khung giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư cụ thể, huyện không thể có quy định riêng, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh về thông qua bảng giá các loại đất thời kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh, việc thu hồi đất lúa áp dụng 40 triệu đồng/ha, cộng hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ khác, bình quân tổng bồi thường, hỗ trợ khoảng 110 triệu đồng/ha.

Về ý kiến đất nông nghiệp bị thu hồi hết, người dân không còn tư liệu sản xuất để duy trì cuộc sống, theo UBND huyện, người dân sẽ được nhận đền bù bằng tiền hoặc đất đổi đất, vì thị trấn vẫn còn quỹ đất nông nghiệp tương đương, các hộ có nguyện vọng sẽ được cấp đất sản xuất theo diện tích thu hồi.

Về đền bù vật kiến trúc gồm đường giao thông, kênh mương: Chủ đầu tư sẽ lập phương án xây dựng hoàn trả các công trình này, hoặc chuyển kinh phí về UBND thị trấn để đầu tư các công trình công cộng khác, trong đó ưu tiên cho khu phố Thành Phú (nơi cư ngụ của các hộ dân đã đóng góp kinh phí xây dựng vùng rau an toàn bị thu hồi).

Yên Định (Thanh Hóa): Giải phóng mặt bằng dự án Khu dân cư số 3 có thực hiện đúng quy định của pháp luật?
Đại diện các hộ dân và khu đồng trồng rau sạch sắp bị thu hồi.

Đối với ý kiến lo ngại việc đấu giá đất sẽ thất bại vì không có người mua, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, không thu hồi được kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng. Theo UBND huyện đây là vấn đề thực tế, do giá đất thời gian trước bị đẩy quá cao, không phù hợp giá thị trường, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện các cấp có thẩm quyền đang tìm giải pháp đưa giá đất trở về giá trị thực tế.

Sau khi nghe kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân đều cơ bản thống nhất với chính quyền, cho rằng Chủ tịch UBND huyện đã làm đúng trách nhiệm, nhưng vẫn nêu ra một số ý kiến như: Việc bồi thường, thẩm định giá đất chưa thật sự đúng như quy định. Vì trong khi thực hiện, người dân chưa được ai đến trao đổi đã đưa ra mức giá mang tính áp đặt, không biết đơn vị nào thẩm định giá đất, chính quyền chưa có động thái sắp xếp ổn định công việc cho người dân… Cá biệt có hộ không đồng ý cho thu hồi đất và sẽ tiếp tục phản đối.

Có thể nói trong vụ việc này, UBND huyện Yên Định đã triển khai thực hiện dự án, thực hiện thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân có đất phải thu hồi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ một số hộ dân chưa nhất trí về mức giá đền bù là bắt nguồn từ thực tế, bởi cũng gần xứ đồng thuộc phạm vi dự án, cách đây chưa lâu đã có trường hợp người dân được đền bù mức giá cao hơn nhiều so với khung giá quy định của Nhà nước khi thu hồi đất (do thuộc trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân khi thực hiện dự án mang tính thương mại). Thêm nữa, hiện nay khung giá đền bù được áp dụng đã tăng hơn so với thời điểm triển khai dự án hạ tầng Khu dân cư số 3 này. Ngoài ra vào năm 2019, cũng tại một dự án tương tự, do một số cán bộ có trách nhiệm thực hiện sai quy định, nên nhiều hộ dân đã được bồi thường giá cao hơn mức quy định của Nhà nước (số cán bộ này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật) khiến người dân so sánh, thắc mắc.

Như vậy có thể nói, phần lớn những người chưa chấp thuận nhận đền bù để bàn giao mặt bằng, đến thời điểm này đã cơ bản đồng ý với giải trình, trả lời của UBND huyện. Những thắc mắc và kiến nghị của người dân chủ yếu là về hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ về hoa màu, vật kiến trúc trên đất, đòi hỏi làm rõ về căn cứ pháp lý mức giá đền bù… cùng với đó là những yếu tố khác như giá đất dự án thương mại cao hơn, mức đền bù theo quy định thời điểm hiện tại tăng so với trước. Nhất là những trường hợp khiếu nại về trường hợp đã tách hộ nhưng không được tách thửa, khi thu hồi không được hỗ trợ, hay hỗ trợ hoa màu trên đất sai đối tượng, những trường hợp này cũng như ý kiến về việc trong quá trình triển khai áp giá đền bù, chủ hộ không được gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc… Theo chúng tôi, nếu đúng thực tế như phản ánh của các hộ dân, thì UBND huyện, UBND thị trấn cùng các ban, ngành, đoàn thể cần phải xem xét công tác tuyên truyền, vận động cũng như quá trình tổ chức thực hiện.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load