(Xây dựng) – Vấn đề xung đột quyền lợi tại dự án Capital Garden 102 Trường Chinh có lẽ sẽ dễ lòng giải quyết nếu các bên cùng bàn bạc để đi đến hướng thống nhất, có lợi cho cả đôi bên. Dư luận cũng cần làm rõ và hiểu đúng về những thông tin được cho là xác đáng, đúng sự thật, bởi bên nào làm sai, chắc chắn họ sẽ phải chịu trách nhiệm nghiêm túc trước dư luận và pháp luật.
Không có chuyện chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước
Việc xung đột quyền lợi, mà đỉnh điểm là việc cắt điện nước tại dự án Capital Garden 102 Trường Chinh những ngày qua đã được dư luận “thổi bùng”, bởi tốc độ thông tin mạng xã hội lan rộng. Câu chuyện của 5 hộ dân đột ngột bị cắt điện trong đêm đã khiến không chỉ các hộ dân bức xúc, mà còn khiến cho cả dư luận hiểu sai về việc chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện nốt một số hạng mục công trình để đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đêm 14/7, hàng chục hộ dân sống tại toà nhà Capital Garden đã căng băng rôn, biểu ngữ phản đối việc chủ đầu tư tự ý cắt điện nước khiến họ vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Xây dựng vào chiều 15/7, ông Lương Ngọc Tú, đại diện Ban Quản lý toà nhà thuộc Công ty CP Quản lý và Khai thác tài sản dầu khí (PSA) (đơn vị được Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô ký hợp đồng thuê quản lý vận hành toà nhà) khẳng định, không có chuyện chủ đầu tư tự ý cắt điện, nước, bởi Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã bàn giao toàn bộ việc quản lý cho công ty chúng tôi kể từ tháng 1/2017.
Ông Lương Ngọc Tú cũng cho biết, trước khi cắt điện, nước, Ban quản lý tòa nhà đã gửi thông báo lần 3 đến các căn hộ bị cắt điện, lần cuối cùng Ban đã gửi đến cả chính quyền, gồm UBND phường và công an phường Phương Mai.
Trước khi cắt điện, Ban quản lý toà nhà đã 3 lần gửi thông báo đến 5 hộ dân.
Hiện giá điện nước của các hộ dân được áp dụng tính theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện; Giá nước sạch được thực hiện theo thông báo giá bán nước sạch ngày 01/10/2015 của Cty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội.
Về công tác vận hành tòa nhà, chủ đầu tư cũng có những văn bản quy định trách nhiệm và quyền hạn trong việc vận hành hệ thống kỹ thuật cũng như công tác dịch vụ tại tòa nhà. Việc cắt điện nước cũng có những điều khoản quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà là phải hoàn thiện việc thu phí điện, nước đối với cư dân, và trong những trường hợp không thu được phí thì sẽ thực hiện những chế tài như ngừng cung cấp dịch vụ, cùng với những điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và cư dân.
“Tính đến thời điểm hiện tại, toà nhà có tới 162 hộ còn nợ đọng tiền điện với giá trị tạm tính lên tới trên 300 triệu đồng. Với số lượng tiền nợ đọng rất lớn như thế, chủ đầu tư cũng không có đủ tiền chi trả cho các đơn vị cung cấp như điện lực Đống Đa và Xí nghiệp nước sạch. Chính vì vậy thời gian qua, chúng tôi đã ngừng cung cấp điện nước cho 5 hộ dân còn nợ đọng tiền, chứ không phải hàng chục hộ như một số thông tin mạng xã hội đã nêu”, ông Tú cho biết.
Cùng tháo gỡ vướng mắc
Thực tế cho thấy, vấn đề xung đột quyền lợi tại các dự án chung cư thương mại tại Hà Nội lâu nay là do chủ đầu tư, đơn vị quản lý toà nhà và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Một số cư dân sống tại dự án 102 Trường Chinh cho rằng, chủ đầu tư trong quá trình bàn giao nhà, họ chưa làm hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo đúng như cam kết trong hợp đồng đã ký. Cụ thể như chất lượng công trình, công tác phòng cháy chữa cháy hay khu sinh hoạt cộng đồng...
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô khẳng định: Công ty đã nhiều lần đối thoại, thậm chí gửi văn bản trả lời trực tiếp tới các hộ dân với những nội dung cụ thể như: Khu vực vui chơi cho trẻ em chủ đầu tư đã thiết kế và giao nhà đầu tư triển khai thi công hạng mục; Phòng sinh hoạt cộng đồng đã được bố trí, thiết kế, thi công và sẽ bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư do Hội nghị nhà chung cư bầu và được UBND quận công nhận để quản lý; Trong khi chưa bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng, nếu cư dân cần thiết hội họp thì Ban quản lý toà nhà chịu trách nhiệm thu xếp nơi họp; Các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã lắp đặt xong, các hạng mục đang được hiệu chỉnh, nghiệm thu đưa vào hoạt động, sử dụng. Phòng cảnh sát PCCC đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ PCCC cho cư dân trong tòa nhà.
Đại diện phía chủ đầu tư cũng cho biết: Khu vực tiếp khách tại sảnh tòa nhà đã được thực hiện theo đúng quy định của Hợp đồng; Khu vực tiếp khách, hòm thư, lễ tân sẽ được bố trí, đưa vào sử dụng dự kiến trong cuối tháng 7, đầu tháng 8/2017.
Riêng với vấn đề điện, nước, phía Công ty cũng khẳng định, họ không cung cấp và cũng không kinh doanh nước sạch, hiện nguồn nước được cung cấp là của công ty kinh doanh nước sạch quận Đống Đa. Vừa qua đơn vị này đã lấy mẫu nước mà cư dân nghi vấn không đảm bảo đi xét nghiệm và kết quả cho thấy chất lượng nước đều đảm bảo an toàn. Hiện Ban quản lý toà nhà cũng đang phối hợp với Điện lực, Xí nghiệp nước sạch Đống Đa để các hộ được ký hợp đồng trực tiếp.
Được biết, dự án Capital Garden 102 Trường Chinh do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đầu tư xây dựng, dự án từng được đánh giá cao về chất lượng cũng như tính thanh khoản trên thị trường. Dự án đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.
Dự án Capital Garden 102 Trường Chinh được bàn giao và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016.
Có thể nhận thấy, chủ đầu tư dự án 102 Trường Chinh đang gấp rút cho hoàn thiện một số các hạng mục theo đúng trách nhiệm cũng như yêu cầu, nguyện vọng của các cư dân sống tại chung cư. Tuy nhiên, để hoàn thiện được khối lượng công việc lớn như vậy thì vấn đề thời gian đặt ra là không nhỏ và cần thiết phải có sự đồng cảm, chia sẻ của các hộ dân.
Để hạn chế những hiểu lầm, xung đột từ phía các bên liên quan, thiết nghĩ, chủ đầu tư, các đơn vị thi công cũng cần sớm thực hiện những nội dung đã cam kết trả lời cư dân, khẩn trương chỉnh trang, hoàn thiện các hạng mục để tránh gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, niềm tin trong kinh doanh.
Trần Anh
Theo