(Xây dựng) – Công ty Cổ phần Xi măng Hoàng Mai (gọi tắt là Vicem Hoàng Mai) vừa có văn bản báo cáo thực hiện Kết luận Thanh tra số 3375/KLTTr-ĐCKS về việc chấp hành các quy định về khoáng sản, xác định số lượng khoáng sản khai thác thực tế tại mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của Vicem Hoàng Mai, đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Ảnh minh họa. |
Khai thác vượt công suất
Vicem Hoàng Mai có 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Đó là mỏ đá vôi Hoàng Mai B, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) và xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với diện tích 144,5ha; trữ lượng được phép khai thác trên 125 triệu tấn; công suất khai thác 1,8 triệu tấn/ năm; thời hạn khai thác là 50 năm và mỏ đá sét Quỳnh Vinh, xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu (nay là xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) với diện tích gần 122ha; trữ lượng được phép khai thác trên 8 triệu tấn; công suất khai thác 348 nghìn tấn/năm; thời hạn khai thác là 21 năm.
Qua Thanh tra cho thấy, Vicem Hoàng Mai đã thực hiện cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác, cắm mốc giới đúng quy định, thực hiện thiết kế mỏ nộp cho các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Vicem Hoàng Mai thực hiện đầy đủ các báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản các năm 2016, 2017, 2018 và nộp về cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp nộp thuế phí đầy đủ theo quy định.
Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng chỉ ra Vicem Hoàng Mai chưa hoàn thành việc xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010, chưa hoàn thành việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản ở mỏ đá vôi Hoàng Mai B và mỏ sét Quỳnh Vinh.
Việc khai thác vượt công suất diễn ra trong năm 2016 và 2018 với mức vượt là gần 5% và gần 14%, trong đó, sản lượng khai thác thực tế năm 2016 là 1.888.791 tấn, vượt gần 5%; Sản lượng khai thác thực tế năm 2018 là 2.047.178 tấn, vượt gần 14%.
Thanh tra cho rằng việc thu hồi, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác (đá đô mô lít) chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; đồng thời chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc thu hồi đá đô mô lít đi kèm trong quá trình khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Vicem Hoàng Mai khẩn trương hoàn thành việc xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản và điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản. Lập và phê duyệt thiết kế mỏ (điều chỉnh) cho phù hợp với nội dung giấy phép khai thác khoáng sản được cấp và nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Khai thác đúng công suất trong giấy phép và báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép thu hồi, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện.
Doanh nghiệp đang vướng mắc, cần tháo gỡ
Thực hiện Kết luận Thanh tra số 3375/KL-TTr-ĐCKS, ngày 25/2/2020, Vicem Hoàng Mai đã có Báo cáo số 535/XMHM gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Theo đó,Vicem Hoàng Mai báo cáo, hiện hồ sơ xin cấp lại phép khai thác đã nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Diện tích xin khai thác là 110,99ha, trữ lượng khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng là 73.461.918 tấn; trữ lượng khai thác đá dolomit, đá vôi sét làm vật liệu xây dựng thông thường là 2.575.909m3; trữ lượng địa chất 81.624.353 tấn; trữ lượng phê duyệt 88.663.238 tấn, trong đó trữ lượng khu vực thăm dò nâng cấp là 53.187.000 tấn; trữ lượng khu vực được khai thác còn lại là 35.476.238 tấn. Công suất khai thác 1.012.972 m3/năm.
Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ khai thác khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Vicem Hoàng Mai cần giải trình bổ sung, hoàn chỉnh nội dung về cơ sở khai thác và về an toàn đối với công trình hạ tầng và việc nâng công suất.
Đến nay, Vicem Hoàng Mai đã hoàn thành việc xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về các vấn đề Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ khai thác khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu. Bộ xây dựng đã có Văn bản số 1159/BXD-VLXD ngày 23/5/2017 gửi Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam về sản lượng khai thác tại mỏ đá vôi Hoàng Mai B trong đó có đề cập đến nguyên nhân Vicem Hoàng Mai kiến nghị xin điều chỉnh tăng công suất khai thác đá vôi lên 2.481.565 tấn/năm để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa có Văn bản số 7314/STNMT-TNKS ngày 25/11/2019 thống nhất đề nghị cấp lại giấy phép khai thác mỏ đá vôi Hoàng Mai B cho Vicem Hoàng Mai. Tuy nhiên, công suất này chưa phù hợp với Quy hoạch 1488/QĐ-TTg, Quyết định này bị bãi bỏ bởi Nghị quyết Chính phủ số 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 và quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 đến nay đã hết hiệu lực. Hiện vấn đề công suất khai thác vẫn đang còn vướng mắc.
Ngày 19/2/2020, Vicem Hoàng Mai vừa có Công văn số 481/XMHM-ĐTXD gửi Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam về việc xin cấp phép khai thác mỏ đá Hoàng Mai B Nghệ An, trong đó đề nghị Tổng cục giúp đỡ có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xử lý, điều chỉnh quy hoạch khai thác đối với mỏ đá vôi Hoàng Mai B.
Trước đó, ngày 13/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 3175/QĐ-BTNMT cho phép Vicem Hoàng Mai tiếp tục khai thác đá sét tại xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thêm 8 năm. Vicem Hoàng Mai đã thuê đơn vị chức năng lập lại thiết kế thiết kế khai thác của mỏ sét Quỳnh Vinh để phù hợp công suất khai thác theo giấy phép; nộp lên cấp trên để phê duyệt theo quy định.
Như vậy, đến nay, việc xin gia hạn giấy phép khai thác mỏ sét đã được Vicem Hoàng Mai hoàn thành. Riêng việc cấp đổi lại giấp phép khai thác đá vôi, trong đó liên quan đến công suất, sử dụng đá có đô mô lít còn đang vướng mắc do hiệu chỉnh, xử lý các quy hoạch trước đây hết hiệu lực.
“Vicem Hoàng Mai mong sự giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành có liên quan, Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam… tháo gỡ khó khăn để Vicem Hoàng Mai sớm hoàn thành cấp phép theo quy định”, đại diện lãnh đạo Vicem Hoàng Mai kiến nghị.
Tận thu đá đô mô lít đã đóng thuế phí
Về việc tiền cấp quyền tận thu đá đô mô lít trong quá trình khai thác khoáng sản, lãnh đạo Vicem Hoàng Mai kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét, bởi tại Quyết định số 92/QĐ-BTNMT ngày 16/1/2015 về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đá vôi Hoàng Mai B thì trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bao gồm cả đá vôi đô mô lít.
Trước đó, tại Quyết định số 145/QĐ-HĐTLKS/CĐ ngày 10/3/2011 của Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia về việc công nhận kết quả chuyển đổi cấp trữ lượng và cấp tài nguyên mỏ đá vôi Hoàng Mai B và mỏ sét Quỳnh Vinh (Nghệ An) thì tổng trữ lượng đá vôi còn lại của cấp 111 và cấp 122 là 49.420.000 tấn, bao gồm cả đá vôi đô mô lít.
Hiện nay, việc sử dụng đá đô lô mít được tận thu làm phụ gia cho sản xuất (không làm vật liệu xây dựng thông thường như trước đây) nên Vicem Hoàng Mai kiến nghị Bộ xem xét cho doanh nghiệp tận thu làm phụ gia trong quá trình sản xuất xi măng.
Vũ Huyền
Theo