Chủ nhật 28/04/2024 19:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Xanh hóa công trình xây dựng: Mở cơ chế, kích nội lực (Kỳ II)

19:01 | 17/09/2023

Kỳ 2: Tạo “không gian” rộng hơn cho tín dụng xanh

(Xây dựng) - Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, ưu đãi tài chính là cần thiết song có thể không đủ, bởi các ưu đãi đó một mặt thể hiện tư duy của cơ quan nhà nước về việc phải hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Để cụ thể tư duy ấy một cách đồng bộ cũng đòi hỏi phải hoàn thiện khung chính sách, pháp lý cho chuyển đổi xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng.

Xanh hóa công trình xây dựng: Mở cơ chế, kích nội lực (Kỳ II)
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

PV: Thưa ông, cho tới nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho phát triển xanh chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, quản lý nước bền vững tại đô thị và nông thông, mà không thấy tín dụng cấp cho lĩnh vực xây dựng dân dụng. Còn theo thống kê của CBRE, trong lĩnh vực xây dựng, Việt Nam mới có 15 công trình xây dựng được nhận chứng chỉ ESG và sau 3 năm nữa sẽ có 26 công trình. Qua con số thống kê như vậy, hình như mục tiêu “xanh hóa” ngành Xây dựng bị bỏ quên?

Ông Nguyễn Anh Dương: Trong những năm qua, Việt Nam đã có không ít nghiên cứu, thảo luận về tài chính xanh. Các nghiên cứu, thảo luận ấy đều chỉ ra ít nhất hai điểm chung. Thứ nhất là các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với tài chính xanh, tín dụng xanh. Năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra ước tính Việt Nam có thể sẽ cần tới 368 tỷ USD đến năm 2040, tức là khoảng 6,8% GDP mỗi năm, để hiện thực hóa lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”.

Thứ hai là các định chế tài chính cũng có “nguồn cung” tài chính xanh, tín dụng xanh khá dồi dào. Bên cạnh những ngân hàng thương mại trong nước có những chương trình, kể cả thử nghiệm, cung cấp tín dụng xanh trong thời gian qua, các định chế tài chính quốc tế cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Mặc dù vậy, cung và cầu tín dụng xanh còn chưa “gặp” nhau. Một nguyên nhân quan trọng là hệ thống pháp lý về tín dụng xanh chưa hoàn thiện để bảo đảm áp dụng rộng rãi, nhất quán giữa các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều đến tín dụng xanh trong những năm qua, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí môi trường để bảo đảm thực hiện nhất quán về tín dụng xanh. Chính vì vậy, nếu một ngân hàng thường mại xét duyệt “tương đối” dễ dàng hơn khi cấp tín dụng xanh thì có gặp phải rủi ro cho vay “dưới chuẩn” hay không? Tương tự, các dự án kinh tế tuần hoàn có thể được tiếp cận tín dụng xanh, song các tiêu chí cụ thể, gắn với khía cạnh “kinh tế” của các dự án này, cũng đang trong quá trình cụ thể hóa. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình cung ứng tín dụng xanh cho doanh nghiệp.

PV: Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023, bà Michele We, Trưởng nhóm công tác Ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, nếu khung pháp lý được chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh. Liệu điều này có phải là mấu chốt trong ách tắc đối với tín dụng xanh và theo ông, “chuẩn hóa khung pháp lý” là gì?

Ông Nguyễn Anh Dương: Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chúng tôi vẫn tham mưu phải nhìn nhận đúng mức yêu cầu tạo động lực hợp lý cho doanh nghiệp và người lao động. Ngành Xây dựng cũng không đứng ngoài yêu cầu này. Động lực đối với doanh nghiệp có thể là lợi nhuận, tăng năng suất, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Động lực đối với người lao động có thể là cải thiện năng suất lao động và thu nhập.

Chính ở đây, các ưu đãi tài chính là cần thiết song có thể không đủ. Các ưu đãi tài chính một mặt thể hiện tư duy của cơ quan nhà nước về việc phải hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Để cụ thể tư duy ấy một cách đồng bộ cũng đòi hỏi phải hoàn thiện khung chính sách, pháp lý cho chuyển đổi xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng.

Mặt khác, các ưu đãi tài chính chỉ có thể phát huy hiệu quả cao nhất nếu doanh nghiệp, người lao động chuyển đổi được nhận thức, và đổi mới được hoạt động tổ chức sản xuất - kinh doanh, kể cả với dây chuyền công nghệ mới. Theo đó, Việt Nam vẫn cần những hình thức hỗ trợ phi tài chính khác, chẳng hạn như đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động. Cần lưu ý, quá trình chuyển đổi xanh sẽ khó hiệu quả nếu chỉ diễn ra ở một hoặc một vài doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, việc có các khóa học, kết nối doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, mà trực tiếp nhất là sử dụng và đánh giá hiệu quả tín dụng xanh, có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng giảm thời gian cho các thủ tục hành chính thường mang tính bền vững cao hơn cơ chế hỗ trợ tài chính. Tháo gỡ những vấn đề liên quan đến các thủ tục này sẽ chỉ đạt hiệu quả tốt nhất nếu duy trì được sự đối thoại lành mạnh, thực chất giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Xanh hóa công trình xây dựng: Mở cơ chế, kích nội lực (Kỳ II)
Cơ cấu dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam trong các năm 2017-2021 (Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

PV: Theo ông Douglas Lee Snyder - Giám đốc điều hành, Hội đồng công trình xanh Việt Nam, việc hiện thực hóa cả ưu đãi tài chính và phi tài chính ở Việt Nam là một thách thức. Nên hiểu nhận định này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: Như đã đề cập trước đó, một yêu cầu quan trọng là phải tháo gỡ được khó khăn về khung pháp lý để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau. Chẳng hạn, một khó khăn chính là chưa có các tiêu chí đủ chi tiết, thực tế cho hoạt động tín dụng xanh gắn với các công trình xanh. Một mặt, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình xanh, vật liệu xanh. Nội dung này đã được đề ra tại kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, song cần triển khai quyết liệt hơn nữa. Mặt khác, các tiêu chí về môi trường gắn với tín dụng xanh cũng phải được cụ thể hóa, đồng bộ với các nội dung về quy trình xanh nói trên.

Ở một khía cạnh “vĩ mô” hơn, phương thức điều hành tín dụng theo cách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm hiện nay cho các tổ chức tín dụng cũng cần được đổi mới, nhằm tạo “không gian” rộng hơn cho tín dụng xanh. Chẳng hạn, dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến – có đề xuất tín dụng cấp cho một số dự án kinh tế tuần hoàn phù hợp không được tính trong chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho các tổ chức tín dụng.

Để làm được như vậy, dù chỉ là một nội dung tương đối “cụ thể như tín dụng xanh cho chuyển đổi xanh, thì cũng phải có sự vào cuộc, phối hợp, đồng hành của các cơ quan, Bộ, ngành.

PV: Theo ý kiến của ông Hoo Swee Loon, Phó Tổng Giám đốc Le Mont Group một trong những khó khăn đối với việc xây dựng công trình xanh tại Việt Nam là năng lực tài chính của chủ đầu tư, trong khi, phía ngân hàng lại cho rằng, họ có nguồn tín dụng xanh khá dồi dào, nhưng rất khó giải ngân. Một phía thì có vốn không giải ngân được, một phía thì khát vốn, theo ông giải quyết nghịch lý này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Dương: Việt Nam đã có Chiến lược, kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Ngành xây dựng cũng đã có kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể đối với xanh hóa ngành xây dựng. Dù vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu ấy thì doanh nghiệp và người dân đều rất mong chờ những chuyển biến chính sách cụ thể.

Điểm quan trọng là trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi xanh, tư duy quản lý ngành cũng phải có sự đổi mới so với truyền thống. Nguyên nhân là do phát triển các công trình xanh mới, hiện đại đòi hỏi phải có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, việc xây dựng các công trình xanh cũng đòi hỏi phải có các vật liệu xanh; theo đó, việc cấp tín dụng xanh cho các dự án, hoạt động sản xuất, tái chế vật liệu xây dựng phù hợp cũng là rất quan trọng. Nếu quá “rạch ròi” về các nội dung quản lý cụ thể của ngành xây dựng mà không có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các cơ quan khác thì hiệu quả thực thi có thể bị ảnh hưởng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Thi Ngọc Kiên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load