Thứ bảy 04/05/2024 18:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Nhân rộng mô hình thôn thông minh

10:58 | 23/11/2023

(Xây dựng) - Để "nông thôn mới ngày càng đổi mới", các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh, hướng đến xây dựng xã thông minh. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng thôn thông minh ở các địa phương đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cần sự chủ động và nỗ lực từ nhiều phía.

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Nhân rộng mô hình thôn thông minh
Nhờ có nhóm Zalo chung, lãnh đạo thôn Vũ Di, xã Vũ Di có thể thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân mọi lúc, mọi nơi.

Trước đây, mỗi khi có thông tin liên quan đến việc làng, việc nước, cán bộ thôn Vũ Di, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) phải sử dụng loa truyền thanh hoặc đến trực tiếp các hộ dân để thông báo. Tuy nhiên, do một số khu vực, người dân sống không tập trung nên việc nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Thế nhưng, giờ đây, với ứng dụng Zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Vũ Di Nguyễn Thị Tĩnh cho biết: Từ khi triển khai mô hình thôn thông minh, thôn đã thành lập nhóm Zalo với sự tham gia của đại diện tất cả các hộ dân. Thông qua nhóm Zalo, mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng, kịp thời, nên các công việc chung của thôn được triển khai hiệu quả.

Qua một thời gian ngắn thực hiện mô hình thôn thông minh, đến nay, nhà văn hóa của thôn Vũ Di đã được lắp đặt wifi miễn phí. Hơn 90% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; 100% nhà ở cá nhân, hộ gia đình, trụ sở của các cơ quan, tổ chức và các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng trên địa bàn thôn được gắn biển mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số. 100% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe.

Thôn đã lắp đặt xong hệ thống camera an ninh giám sát tại các tuyến đường trục chính để quản lý trật tự an toàn xã hội và hệ thống điện chiếu sáng ứng dụng công nghệ số để bật, tắt tự động...

Không chỉ vậy, người dân trong thôn còn tích cực áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong việc quảng bá các sản phẩm. Ông Lê Minh Huấn, chủ cơ sở sản xuất rượu 94, thôn Vũ Di cho biết: Hiện nay, gia đình đã thành lập trang fanpage, đồng thời, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ ứng dụng nền tảng số, sản phẩm của gia đình được nhiều người tiêu dùng biết đến, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng theo.

Việc xây dựng thôn thông minh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ giúp người dân nông thôn tiếp cận gần hơn với các ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng đời sống, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Là thôn nông thôn mới thông minh đầu tiên của tỉnh, đến nay, diện mạo thôn Chùa, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) khởi sắc bởi kết cấu hạ tầng khang trang, mang nét hiện đại với những tiện ích khi ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế, quản lý địa bàn.

Hiện nay, 100% hộ dân trong thôn đã gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí, tọa độ trên GPS kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục…

Nhà văn hóa thôn đã lắp đặt mạng wifi miễn phí phục vụ nhu cầu hội họp, triển khai các hoạt động văn hóa - văn nghệ của người dân. Hệ thống camera an ninh được phủ khắp các xóm. 100% dân số trong thôn có sổ khám chữa bệnh điện tử; hơn 70% người dân thường xuyên sử dựng ứng dụng khám bệnh từ xa.

Bên cạnh đó, Ban phát triển thôn đã thành lập trang Zalo “Thôn Chùa với pháp luật” và trang facebook “Thôn Chùa - Ngũ Kiên miền quê đáng sống”... để thông tin các chủ trương, chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời như lịch gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, tiêm phòng gia súc gia cầm...

Tại các cửa hàng đều có bảng quét mã QR giúp người dân trong thôn, thanh toán khi mua bán hàng hóa mà không cần dùng tiền mặt. Hơn 90% công dân trưởng thành trong thôn đã có tài khoản thanh toán trực tuyến...

Có thể nói, công nghệ số đã len lỏi đến mọi khía cạnh đời sống ở miền quê này, quá trình chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ để bộ mặt NTM thôn Chùa nói riêng, xã Ngũ Kiên nói chung đang thay đổi từng ngày.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình thôn thông minh ở các địa phương cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng nông thôn của tỉnh có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung dẫn đến việc ứng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số gặp nhiều khó khăn.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ở một số địa phương như điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế; nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu; kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân còn thấp; tỷ lệ sử dụng phần mềm để gửi nhận văn bản điện tử chưa cao… Việc xây dựng thôn thông minh cần nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống camera giám sát… Trong khi, ngân sách của các địa phương khá hạn hẹp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng việc nhân rộng mô hình thôn thông minh là cần thiết, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Để thúc đẩy tiến trình xây dựng thôn thông minh, hướng đến xã thông minh, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nhất là ở khu vực nông thôn.

Chú trọng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển xã hội số. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng số ở các thôn, xã; nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load