(Xây dựng) - Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2022-2025 mỗi năm có từ 1.300-1.500 doanh nghiệp được thành lập mới, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, hội nhập và bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Công ty TNHH bao bì Atlantic tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động, mức lương bình quân từ 8-9 triệu đồng/người/tháng. |
Theo thống kê, Vĩnh Phúc có trên 15.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xác định những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo nâng cấp Cổng Thông tin – giao tiếp điện tử tỉnh (https://vinhphuc.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử các sở, ngành, huyện, thành phố với giao diện mới; kịp thời công khai và cung cấp các thông tin về quy hoạch, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo miễn phí… Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước; tăng cường các hoạt động, chương trình giới thiệu chia sẻ thông tin thị trường trong nước và quốc tế giúp các doanh nghiệp định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp thành lập chuỗi phân phối sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nền kinh tế, trong đó, tập trung rà soát các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty TNHH bao bì Atlantic, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên cho biết, trong 2 năm 2020, 2021, hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trên 90% nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào nhập từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Ả Rập và chi phí sản xuất gia tăng do sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Tuy nhiên, đầu năm 2022, được sự trợ giúp nguồn vốn khuyến công thực hiện Dự án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bao bì, công ty đã đầu tư 2 máy thổi màng trị giá hơn 1 tỷ đồng để tiếp cận các hình thức sản xuất mới hiện đại, hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, ưu điểm máy thổi màng là tự động duy trì, điều chỉnh trọng lượng, độ dày của sản phẩm, từ đó giải phóng sức lao động, giảm tiêu hao điện năng khoảng 20% so với máy cũ, năng suất cao hơn 30%, hơn nữa còn tăng độ bóng, trong, ổn định và tính thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong lĩnh vực màng nilon công nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, năm 2022, năng suất, chất lượng sản phẩm của công ty đều tăng lên, công ty đã kịp thời cung cấp từ 130-150 tấn sản phẩm/tháng cho hơn 100 khách hàng trong và ngoài tỉnh với tổng doanh thu gần 65 tỷ đồng, tăng 13 tỷ đồng so với năm 2021, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động.
Tương tự như Công ty TNHH bao bì Atlantic, trong giai đoạn 2020-2022, được sự hỗ trợ cho vay 400 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần tập đoàn CNCTech, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/01/2023, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho 3.300 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 49.000 tỷ đồng, chiếm 48,81% tổng dư nợ, tăng 16,36% so với cuối năm 2021. Đồng thời, cho vay công nghiệp phụ trợ đạt 250 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 21.700 tỷ đồng. Từ các chính sách trợ lực kịp thời, 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có gần 120 doanh nghiệp quay trở lại thị trường; nhiều doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,96%; sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 30.300 tỷ đồng tăng 1,32% so với cùng kỳ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu có 100% doanh nghiệp thành lập mới được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục triển khai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tiễn. Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết việc làm mới cho 7.700 lao động mỗi năm; GRDP tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10-15%; nộp ngân tăng 7-10%/năm.
Riêng năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2023 hơn 53 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn hơn 17,6 tỷ đồng; hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gần 6,8 tỷ đồng; chi phí quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện đề án gần 3,5 tỷ đồng.
Văn Nhất
Theo