Thứ năm 26/12/2024 21:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tân Hồng (Đồng Tháp): Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới

19:32 | 26/07/2024

(Xây dựng) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định số 50/QĐ-UBND-HC phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Hồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, huyện Tân Hồng sẽ là huyện kinh tế cửa khẩu quan trọng của tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; khai thác hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, quan hệ trong nước; khai thác các thế mạnh về vị trí địa lý, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch…

Tân Hồng (Đồng Tháp): Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới
Thị trấn Sa Rài sẽ là đô thị loại IV.

Theo đó, toàn bộ địa giới hành chính của huyện Tân Hồng với tổng diện tích là 310,07km2, với 09 đơn vị hành chính bao gồm: Thị trấn Sa Rài và 08 xã (Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Bình Phú, Tân Thành A, Tân Thành B, Tân Phước, Tân Công Chí, An Phước). Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp với tỉnh Prey Veng, Vương quốc Campuchia; Phía Tây giáp với thành phố Hồng Ngự; Phía Nam giáp với huyện Tam Nông; Phía Đông giáp với huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Dự báo dân số toàn vùng huyện: Đến năm 2025 khoảng 122.626 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 24.383 người, dân số nông thôn khoảng 98.243 người; Đến năm 2030 khoảng 133.215 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 36.425 người, dân số nông thôn khoảng 96.790 người; Tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 155.654 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 62.037 người, dân số nông thôn khoảng 93.617 người.

Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị: Giai đoạn đến năm 2025 khoảng trên 300ha; Giai đoạn đến năm 2030 khoảng trên 550ha; Giai đoạn đến năm 2050 khoảng trên 930ha. Dự báo đất xây dựng khu dân cư nông thôn: Giai đoạn đến năm 2025 khoảng trên 1.175ha; Giai đoạn đến năm 2030 khoảng trên 1.200ha; Giai đoạn đến năm 2050 khoảng trên 1.195ha.

Mục tiêu lập quy hoạch là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 591/QĐ-UBND.HC về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Quy hoạch xây dựng vùng huyện trở thành huyện kinh tế cửa khẩu quan trọng của tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; khai thác hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, quan hệ trong nước; khai thác các thế mạnh về vị trí địa lý, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch. Đáp ứng tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tạo dựng hình ảnh một huyện Tân Hồng năng động, có bề dày lịch sử, có tiềm năng phát triển, có truyền thống văn hóa, để tạo tiền đề phát triển du lịch.

Gắn kết các xã nông thôn mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tiềm năng thế mạnh từng xã và tính liên kết chung của khu vực. Định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và khu dân cư nông thôn trên cơ sở phân bố hợp lý mạng lưới khu, cụm công nghiệp - đô thị đồng bộ, hiện đại, giữ vai trò là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và vùng lân cận.

Là cơ sở để huyện tổ chức lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng và xây dựng các chương trình phát triển đô thị.

Quy hoạch huyện Tân Hồng là vùng kinh tế biên giới là cửa ngõ giao thương quốc tế, giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác vùng; giao lưu quốc tế về du lịch và an ninh quốc phòng của tỉnh nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung. Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới, phát triển kinh tế thương mại dịch vụ cửa khẩu.

Hình thành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Dinh Bà, Bình Phú và Thông Bình với các khu chức năng thương mại dịch vụ - công nghiệp - dân cư đồng bộ, là trọng điểm phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Vùng phát triển công nghiệp tập trung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, luân canh lúa và nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho các khu công nghiệp; phát triển ngành chăn nuôi bò thương phẩm, cá tra và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trên cơ sở đặc điểm địa hình, địa thế, tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở về hạ tầng kỹ thuật, các hành lang kinh tế đô thị và mối liên hệ vùng, vùng huyện Tân Hồng được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế:

Vùng I: Vùng phát triển kinh tế biên giới phía Bắc bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Bình Phú, xã Tân Hộ Cơ, xã Thông Bình. Vùng thúc đẩy không gian kinh tế biên giới, phát triển hành lang đô thị biên giới Dinh Bà, trở thành trục động lực quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu phía Bắc, tỉnh Đồng Tháp.

Vùng II: Vùng phát triển kinh tế trung tâm bao gồm thị trấn Sa Rài và 03 xã (Tân Công Chí, Tân Thành A, Tân Thành B) là vùng trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của huyện. Hạt nhân phát triển của vùng II là đô thị Sa Rài với tính chất là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, đầu mối dịch vụ, trung tâm nông nghiệp, năng lượng tái tạo vùng biên giới của huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Vùng III: Vùng phát triển kinh tế sinh thái nông nghiệp phía Nam bao gồm toàn bộ địa giới hành chính 02 xã (An Phước và Tân Phước) với tính chất là vùng kinh tế nông nghiệp gắn với vùng Đồng Tháp Mười, sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại và bền vững, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.

Quy định đối với phân vùng phát triển công nghiệp:

Vùng 1: Vùng công nghiệp trong khu kinh tế cửa khẩu bao gồm thị trấn Sa Rài và 03 xã (Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình). Định hướng phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất kho ngoại quan gắn với giao thương đối ngoại Campuchia với trọng tâm là Khu công nghiệp Dinh Bà.

Vùng 2: Vùng công nghiệp ngoài khu kinh tế cửa khẩu bao gồm 05 xã (Tân Công Chí, Tân Thành A, Tân Thành B, An Phước, Tân Phước). Định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu phía Nam kênh Tân Thành – Lò Gạch với trọng tâm là cụm công nghiệp Tân Phước và Cụm công nghiệp Tân Thành B.

Tân Hồng (Đồng Tháp): Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới
Một góc huyện Tân Hồng.

Quy định đối với phân vùng chức năng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới:

Phân vùng sản xuất nông nghiệp: Vùng nông nghiệp phía Bắc bao gồm thị trấn Sa Rài và 03 xã (Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình). Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hoa màu, cây ăn trái, thủy sản, nông nghiệp điện kết hợp điện mặt trời. Vùng nông nghiệp phía Nam bao gồm 05 xã (Tân Công Chí, Tân Thành A, Tân Thành B, An Phước, Tân Phước) định hướng phát triển nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn trái, thủy sản, hoa màu gắn với vùng Đồng Tháp Mười. Mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung và luân canh, xen canh; chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ.

Vùng nuôi trồng thủy sản: Vùng nuôi cá tra trong nội đồng với 2 tuyến kênh chính Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và Tân Thành – Lò Gạch. Đến năm 2030 quy hoạch thành 06 vùng nuôi lớn: Vùng dọc kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng thuộc xã An Phước; vùng nuôi dọc kênh Tân Thành - Lò Gạch 4 và kênh Tân Công Chí thuộc xã Bình Phú; vùng nuôi dọc kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Tân Thành - Lò Gạch, kênh Tân Công Chí và kênh Sa Rài thuộc xã Tân Công Chí; vùng dọc kênh Sa Rài thuộc xã Tân Thành B; vùng nuôi dọc kênh Tân Thành - Lò Gạch thuộc xã Tân Hộ Cơ và vùng nuôi dọc kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng thuộc xã Tân Phước.

Vùng chăn nuôi khác: Chủ yếu chăn nuôi bò tập trung ở 05 xã (Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Tân Công Chí, Tân Thành B). Phát triển thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng để phát triển theo chiều sâu cho toàn huyện nói riêng và cả tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Định hướng phân bố các vùng du lịch, vùng cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên: Hình thành các trung tâm, cụm, tuyến du lịch theo hành lang kinh tế quốc tế, quốc gia, kết nối các trung tâm du lịch trong vùng tỉnh; chủ yếu theo đường bộ thông qua các tuyến Quốc lộ 30, đường N1 và đường Xuyên Á. Lấy khu du lịch Bào Dong làm trọng điểm, phát triển không gian du lịch xung quanh. Liên kết với các điểm du lịch thuộc thành phố Hồng Ngự, Tam Nông, huyện Hồng Ngự hình thành tuyến tham quan, du lịch sông nước, du lịch sinh thái.

Đa dạng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng địa phương, liên kết không gian du lịch và sản phẩm du lịch trong toàn vùng. Phát triển du lịch tham quan văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống và lễ hội; gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng. Hợp tác kết nối các tuyến du lịch nội địa và quốc tế.

Đến năm 2025 huyện Tân Hồng có 01 đô thị loại V hiện trạng là thị trấn Sa Rài và 01 đô thị loại V là thị trấn Tân Hộ Cơ. Đến năm 2030 có 01 đô thị loại IV là thị trấn Sa Rài, 01 đô thị loại V là thị trấn Tân Hộ Cơ. Quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới, để đảm bảo tiện nghi về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Hình thành các vùng chuyên canh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp để phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Tân Hồng (Đồng Tháp): Đầu mối các tuyến giao thương kinh tế trọng tâm trong vùng kinh tế biên giới
Bản đồ huyện Tân Hồng.

Từng bước sắp xếp, tổ chức lại dân cư theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung hiện trạng. Di dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, trên các tuyến kênh rạch vùng sâu vào các điểm dân cư tập trung nhằm nâng cao chất lượng sống các cộng đồng dân cư nông thôn.

Không phát triển mới các điểm dân cư mới do dân cư nông thôn sẽ giảm dần do quá trình đô thị hóa. Quy hoạch, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đặc biệt giao thông, cấp nước, cấp điện theo xu hướng tiếp cận nếp sống đô thị.

UBND tỉnh Đồng Tháp giao UBND huyện Tân Hồng (chủ đầu tư) có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành và theo một số nội dung kiến nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 106/SXD-KTQH.HTKT ngày 12/01/2024. Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, hướng dẫn UBND huyện Tân Hồng quản lý quy hoạch xây dựng khu vực đô thị, nông thôn, các khu vực trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.

Các Sở, ngành tỉnh liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo quy định pháp luật, thực hiện nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện để UBND huyện Tân Hồng triển khai và cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load