(Xây dựng) – Trải qua 118 năm hình thành và phát triển (1905 - 2023), thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã và đang giữ vai trò là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, phấn đấu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của làng văn hoá kiểu mẫu thành phố Phúc Yên. |
Trải qua nhiều lần thay đổi về quy mô đơn vị hành chính và chia tách địa lý, từ ngày 01/01/2004 thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định số 153/NĐ-CP ngày 9/12/2003 của Chính phủ. Đến ngày 07/02/2018, Phúc Yên trở thành thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Đây chính là dấu mốc quan trọng để Phúc Yên xây dựng và phát triển, trở thành trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh.
Với vị trí và tiềm năng sẵn có, thành phố Phúc Yên được xác định là trung tâm kinh tế, dịch vụ, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và vùng Thủ đô, trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda. Nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh tế Phúc Yên tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của thành phố chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, thành phố là địa phương có số thu ngân sách lớn, đóng góp 70-80% tổng thu ngân sách của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 95%, dịch vụ 4,5%, nông nghiệp chiếm 0,5%.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, bên cạnh phát triển công nghiệp, thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng du lịch to lớn, địa hình đa dạng, nằm dưới dãy núi Tam Đảo và có hồ Đại Lải, đây là lợi thế để Phúc Yên phát triển ngành công nghiệp không khói. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế; đồng thời, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng Khu du lịch Đại Lải. Tại đây, đã có những điểm nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao như: Flamingo Đại Lải Resort - đánh dấu vào bản đồ du lịch thế giới với hàng loạt các giải thưởng quốc tế; cùng với các điểm du lịch sang trọng, đẳng cấp như Paradise Đại Lải Resort; sân Golf Ngôi sao Đại Lải, Đảo Ngọc, Thung lũng Thanh Xuân… đã có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Hiện tại, trên địa bàn đã và đang hình thành các khu đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị cùng hệ thống các cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân. Hệ thống ngân hàng phát triển mạnh, tiếp tục triển khai linh hoạt, đa dạng các dịch vụ, các sản phẩm huy động vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng giá trị sản xuất các nghành dịch vụ năm 2022 tăng 10,52% so với cùng kỳ 2021. 9 tháng năm 2023, tổng giá trị doanh thu thương mại dịch vụ ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 10,8 % so với cùng kỳ.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, thành phố đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ và huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới.
Phúc Yên dẫn đầu cả tỉnh về giá trị sản xuất công nghiệp. |
Lĩnh vực văn hóa - xã hội trong những năm qua của Phúc Yên không ngừng được tăng lên. Chất lượng các mặt giáo dục không ngừng được chuyển biến. Trên địa bàn có đầy đủ các loại hình trường lớp từ mầm non đến đại học, có trung tâm học tập cộng đồng và là nơi tập trung các trường đại hoc như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, các trường đào tạo dạy nghề như: trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, Cao đẳng nghề Việt Xô số 1… để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Chất lượng học sinh giỏi được giữ ổn định, nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia, khu vực. Tính theo tiêu chuẩn mới, hiện nay Phúc Yên có 13/38 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Để hướng tới phát triển thành phố văn minh, hiện đại, những năm tới, thành phố Phúc Yên tiếp tục xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực; đầu tư thích đáng để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan tâm các ngành dịch vụ có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao. Phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thực hiện “khát vọng và quyết tâm xây dựng thành phố Phúc Yên sớm trở thành đô thị loại II và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị trung tâm về dịch vụ, du lịch và giáo dục của tỉnh và khu vực”; đến năm 2030, Phúc Yên đạt đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại I.
Văn Nhất
Theo