(Xây dựng) - Mặc dù trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi trên sông; tuy nhiên, tại mỏ cát số 32 thuộc xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) vẫn xảy ra những vi phạm trong khai thác cát.
Chiếc tàu hút cát tại khu vực biển báo cấm, vội di chuyển khi PV chụp ảnh. |
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng, phản ánh của dư luận về những vi phạm tại mỏ cát số 32 là có cơ sở. Xác minh thực tế tại đây, sau khi băng qua bãi bồi trồng ngô của dân, tiếp cận mép bờ sông Mã thuộc phạm vi mỏ cát, PV đã thấy một chiếc tàu khai thác đang thả vòi hút cát ngay gần chân tấm biển “khu vực cấm khai thác cát, sỏi”. Thấy PV chụp ảnh, những người trên tàu liền dừng hút cát, di chuyển tàu xuống phía hạ lưu, nơi được phép khai thác để tiếp tục làm việc.
Cùng lúc đó, cách khoảng vài chục mét về phía thượng lưu, một phương tiện khác đang thả vòi hút cát ở khu vực mà theo người dân địa phương cho là nằm ngoài phạm vi mỏ? Men theo bờ sông về phía hạ lưu, nơi có những chiếc tàu và sà lan lớn đang hoạt động khai thác, trước mắt PV là nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở kéo dài tới vài mét, có chỗ ăn sâu vào bờ như những hố bom. Tình trạng sạt lở phía bờ bên kia, thuộc địa bàn huyện Cẩm Thủy diễn ra còn nghiêm trọng hơn, có đoạn dài cả vài chục mét. Theo PV, thực trạng này nếu không chấm dứt, chỉ sau vài năm, nguy cơ cả bãi bồi rộng lớn với những cánh đồng ngô, màu, nguồn sống của nông dân địa phương sẽ bị “hà bá” “nuốt chửng”.
Một điểm sạt lở ăn hõm vào bờ tại khu vực mỏ. |
PV đã tìm gặp và trao đổi với bà Phạm Thị Thúy - Trưởng thôn Cẩm Hoàng 2, nơi đoạn sông Mã (có mỏ cát) chảy qua. Bà Thúy cho biết, chiếc biển báo cấm khai thác là do UBND xã và chủ mỏ cắm sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng bờ sông, bãi bồi, mục đích để ngăn việc khai thác ở những nơi có nguy cơ sạt lở. Cũng theo vị trưởng thôn thì phạm vi khai thác của mỏ là từ điểm biển báo trên xuôi về phía hạ lưu.
Nói về tình trạng sạt lở bờ sông do hoạt động khai thác cát gây ra, bà Thúy cho biết, mặc dù chưa xâm phạm vào đất canh tác của dân, nhưng so với cọc mốc, thì đoạn sông thuộc thôn Cẩm Hoàng 1 (nhưng đất canh tác lại của dân Cẩm Hoàng 2), sạt lở đã ăn sâu vào bờ khoảng 15m với chiều dài trên dưới 1km (thuộc khu vực trong phạm vi mỏ). Còn khu vực ngoài mỏ, phía bên trên thuộc địa bàn thôn Lê Sơn và Tiến Ích 1, Tiến Ích 2, tình trạng sạt lở còn diễn ra nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Ngọc - Trưởng thôn Tiến Ích 2 xác nhận thông tin trên. Đồng thời cho biết thêm, sạt lở tại địa bàn do ông phụ trách và tại thôn Lê Sơn đã ăn sâu vào bờ khoảng 4-5m, dài cả cây số, có điểm đã “chớm” xâm phạm vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, thời gian từ vài tháng trở lại đây, do huyện, xã kiểm tra gắt nên việc khai thác ngoài phạm vi mỏ đã tạm dừng. Vào thời gian từ khoảng đầu năm 2021 trở về trước, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên, liên tục, kể cả vào ban đêm.
Các phương tiện đang hoạt động khai thác tại mỏ. |
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Quang, để chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm trong hoạt động khai thác cát, ngoài các đợt kiểm tra, xử lý do các đoàn liên ngành của huyện tổ chức. Theo chỉ đạo của huyện, xã đã lập 3 đoàn kiểm tra và 2 chòi canh tại mỏ cát số 32, cử người túc trực thường xuyên tại đây để phát hiện, xử lý khi có tàu hút cát vi phạm. Tuy nhiên, thực tế mà PV ghi nhận, chiếc tàu hút cát ngay khu vực biển báo cấm khai thác lại diễn ra một cách bình thường, nhưng không có ai xua đuổi, ngăn chặn?
Để ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát tại địa phương, đề nghị UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo xã Vĩnh Quang và các ban, ngành chức năng có giải pháp kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm (nếu tái diễn) của chủ mỏ cát số 32.
Đào Nguyên
Theo