(Xây dựng) – 1.157 công trình vi phạm trật tự xây dựng được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2014 là báo cáo theo tài liệu thống kê từ các địa phương. Trên thực tế, còn bao nhiêu công trình sai phạm chưa được phát hiện, xử lý tại Hà Nội?
Tranh thủ cơ chế, nhiều công trình gấp rút thi công, hoàn thiện.
Công trình thi công theo giấy phép xây dựng giả, biệt thự đập đi rồi cải tạo “nguyên trạng” với chiều cao, diện tích sàn “nở” bất thường, nhà siêu mỏng, siêu méo… là những vi phạm điển hình được đề cập đến trong Hội nghị Sơ kết công tác thanh tra xây dựng 6 tháng đầu năm do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức chiều ngày 17/7/2014.
Một công trình xây dựng không phép trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Dân gian có câu “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”. Đằng này, một công trình, nhỏ thì 1 – 2 tầng, to hơn thì 5 – 6 tầng, thậm chí có công trình hàng chục tầng, mấy chục tầng, nếu có sai, làm sao che mắt được người dân. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đặt câu hỏi với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sau khi nghe báo cáo: Cái nhà chứ cái kim đâu mà chúng ta không biết được. Cái kim còn lòi được ra, chứ cái nhà to lù lù ai chẳng biết. Dân biết, đơn thư gửi lên mà chúng ta lại không biết thì chúng ta biết cái gì?
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã phối hợp với UBND các cấp kiểm tra 7.696 công trình, xử lý 1.157 trường hợp vi phạm (865 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép, 118 trường hợp vi phạm khác).
Công trình 28 Đê La Thành được xây dựng nhờ giấy phép giả.
Ông Trần Văn Hải, Phó Chánh thanh tra xây dựng TP Hà Nội đánh giá: Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ công trình xây dựng vi phạm trên tổng số công trình xây dựng đã tăng gấp đôi so với năm 2013. Trong khi năm 2012, tỉ lệ này là 7,2%, năm 2013 đã giảm xuống còn 5%, thì chỉ trong vòng 6 tháng 2014, tỉ lệ này lên tới 11,2%.
Làm việc với các chính quyền cơ sở, hầu hết các phường đều khẳng định không có vi phạm về xây dựng không phép, sai phép thì cũng có nhưng đều là sai nhỏ, cần thông cảm cho người dân. Nhưng trên thực tế, ở nhiều phường thuộc các quận nội thành như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, các công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn ồ ạt mọc lên, hoặc ngang nhiên hoàn thiện bất chấp quyết định đình chỉ thi công của chính quyền.
Một công trình đồ sộ xây dựng không phép tại quận Cầu Giấy bị người dân phát hiện, tố cáo.
Nhà và đào ở chung (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ).
Trả lời câu hỏi vì sao trên địa bàn tồn tại nhiều công trình vi phạm mà chính quyền không xử lý, lãnh đạo các phường cho biết một phần nguyên nhân do thanh tra xây dựng không kịp thời phát hiện, lập biên bản đề nghị chính quyền xử lý.
Lực lượng thanh tra xây dựng thì cho biết: thanh tra xây dựng lập biên bản đề nghị xử lý vi phạm nhưng chính quyền ký quyết định mà không thực hiện.
Cùng với đó, nhiều công trình vi phạm được cho biết là của ông A, ông B, ông C, của vị lãnh đạo này hay cán bộ kia, hoặc nhiều trường hợp được lãnh đạo cấp trên “bút phê” hoặc “khẩu dụ” đến các chính quyền cơ sở, đề nghị “tạo điều kiện” cho chủ công trình thi công theo nguyện vọng.
Hàng loạt công trình xây dựng không phép tại Đại Mỗ được hoàn thiện trước ngày 1/4/2014, quận Nam Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động, hồ sơ cũ tạm thời “lưu kho”.
Một khi mà quả bóng trách nhiệm còn bị đùn đẩy qua các bên “phối hợp” thì chưa thể nói trước được kết quả 6 tháng cuối năm 2014 tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thành phố Hà Nội có được cải thiện. “Năm trật tự và văn minh đô thị” của Thủ đô, dường như càng nỗ lực tuyên truyền, vận động lại càng thất bại, khi mà ở các cơ sở, chính quyền cũng như lực lượng thanh tra xây dựng luôn “thông cảm” với nhu cầu nhà ở “bức thiết” và có các biện pháp tạo điều kiện giúp đỡ người dân.
Hải Anh
Theo