Rác thải, xà bần vẫn vô tư đổ xuống kênh rạch trong năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị
Rất nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra, chính quyền và nhân dân cùng phải thực hiện, trong đó vai trò của chính quyền là chính.
“Nhà nước nên trực tiếp trao đổi theo định kỳ với nhân dân trên các phương tiện truyền thông với tư cách chính quyền trình bày về các tiến độ, khó khăn, biện pháp giải quyết. Để tăng tính thuyết phục, chính quyền phải làm gương” - TS Nguyễn Hữu Nguyên – Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đưa ra quan điểm.
Chủ tịch HĐND phường 6 (quận 5) Lê Tấn Tài đồng tình: “Đại lộ Đông - Tây đang thi công, đoạn chạy qua địa bàn phường trước đây dân thường đổ xà bần bừa bãi. UBND phường xử phạt người đổ xà bần và thưởng 100.000 đồng cho người có công phát hiện. Tình trạng này giảm hẳn.
Trong khi đó, quá trình thi công dự án, các nhà thầu xả nước ra đường, phường nhắc hoài vẫn không khắc phục. Đành phải cầu cứu ban quản lý dự án”.
Theo đó, dự án lớn này của thành phố nên thành phố phải có trách nhiệm đối với vấn đề môi trường này.
Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nói: “Cần quy rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện VMĐT”.
Nên tập trung vào hai vấn đề
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM Lê Hiếu Đằng bức xúc: “Sau một năm thực hiện nếp sống VMĐT, chúng ta chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo tôi, trong năm 2009, thành phố cần tập trung hai vấn đề. Đó là giải quyết trật tự đô thị bắt đầu từ lòng lề đường, tập trung từ những tuyến đường mẫu (có tiêu chuẩn cụ thể).
Thứ hai là giải quyết vấn đề rác thải và nước thải. Việc nạo vét kênh mương, sông rạch cần làm thường xuyên chứ không phải đợi đến khi các dự án vệ sinh môi trường, thoát nước kết thúc mới làm”.
Bà Phạm Thị Kim Lệ, Phó Giám Sở Tài Chính thắc mắc, một số phong trào như “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Diệt chuột”... rất hiệu quả, thiết thực nhưng gần đây thành phố quên mất.
Theo ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo, năm 2008, TPHCM đề ra những chỉ tiêu để học sinh giữ gìn môi trường trong trường lớp, chấp hành luật giao thông, văn hóa ứng xử. Kết quả chuyển biến tốt rất rõ. Do đó, trong năm nay, thành phố sẽ tiếp tục đưa vấn đề văn minh đô thị vào môn học, tiết học giáo dục công dân.
“Chúng tôi nhất trí năm 2009 chúng ta sẽ tập trung thực hiện ba vấn đề: Bảo vệ môi trường, giao thông và văn hóa ứng xử. Chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, trong đó có 15 tuyến đường điểm không rác, lòng đường lề đường thông thoáng; 100.000 cán bộ - công chức TP phải thể hiện tốt trách nhiệm với dân, biết cười với dân; hơn một triệu học sinh có ý thức giữ gìn nếp sống VMĐT; thành phố đặt thêm 4.000 thùng rác, 100 nhà vệ sinh công cộng....” - Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM khẳng định. |
“Chúng tôi nhất trí năm 2009 chúng ta sẽ tập trung thực hiện ba vấn đề: Bảo vệ môi trường, giao thông và văn hóa ứng xử. Chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, trong đó có 15 tuyến đường điểm không rác, lòng đường lề đường thông thoáng; 100.000 cán bộ - công chức TP phải thể hiện tốt trách nhiệm với dân, biết cười với dân; hơn một triệu học sinh có ý thức giữ gìn nếp sống VMĐT; thành phố đặt thêm 4.000 thùng rác, 100 nhà vệ sinh công cộng....” - Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM khẳng định.
Huy Thịnh (TP)
Theo baoxaydung.com.vn