(Xây dựng) - Dự án nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm qua xã Phong Chương (huyện Phong Điền, TT - Huế), có tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng. Trong quá trình thi công nhà thầu có dấu hiệu rút ruột công trình, khiến bờ kè vừa thi công xong đã bong tróc,vữa, đá hộc không gắn hết với nhau, có đoạn tấm đan bị sụt mái... khiến nhiều người dân lo ngại về chất lượng công trình không đảm bảo.
Bờ kè vừa thi công xong đã bong tróc,vữa, đá hộc không gắn hết với nhau
Công trình nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm qua xã Phong Chương, Điền Lộc, huyện Phong Điền và xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (thuộc Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung khoản vay bổ sung). Công trình có chiều dài 7km, với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án do Cty CP Xây dựng Nông nghiệp và PTNN 1 Thanh Hóa làm nhà thầu chính, liên danh Cty CP Tư vấn Đầu tư Phát triển và Xây dựng Hạ tầng và Cty TNHH Tư vấn đấu thầu Xây lắp KX làm tư vấn giám sát, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TT - Huế đại diện chủ đầu tư. Dự án triển khai từ tháng 4/2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, sau 20 tháng thi công. Nhiệm vụ nhằm giúp ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn, đảm bảo giao thông nội đồng...
Nhận được phản ánh về tình trạng kè Hói Tôm đoạn qua xã Phong Chương (huyện Phong Điền) mới thi công vừa xong đã xẩy ra vữa bong tróc, đá, tấm đan sụt lún... Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận một đoạn kè gần cầu Hói Tôm được xây bằng đá hộc dài khoảng 50m, xuất hiện một số điểm sụt lún, vữa bong nhô lên, kết cấu giữa vữa và đá hộc không kết dính nhau... Chỉ cần đưa tay bốc dỡ các viên đá hộc và vữa đã rệu rạo rơi ra ngoài. Nhìn bằng mắt thường đã thấy chất lượng vữa quá xấu không đủ độ kết dín với đá. Cạnh đó, một đoạn kè dài khoảng 5m cũng đã bị sụt mái, các tấm đan đã rơi xuống nước, số còn lại được nhà thầu tháo gỡ chất thành đống.
Bờ kè vừa thi công xong đã rệu rạo, sụt lún
Ông Trịnh Văn Khoa - Kỹ thuật thi công, Cty CP Xây dựng Nông nghiệp và PTNN 1 Thanh Hóa cho biết: Đoạn bị hư hỏng trên do một nhà thầu phụ thi công. Phía đơn vị tư vấn, nhà thầu chính đã nhắc nhở đơn vị thi công xử lý sửa chữa, nhưng do thời tiết mưa chưa thể khắc phục được. Lát đan bị sạt lở do chưa lát dầm khiến mái kè bị sat.
Thông tin dự án
Lý giải về công trình mới thi công xong đã xẩy ra tình trạng vữa bong tróc không kết dính với đá hộc gây sụt lún, lát đan bị sụt mái, ông Lê Xuân Thanh - Chỉ huy Trưởng công trình nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng Đông Tây Hói Tôm thuộc Cty CP Xây dựng Nông nghiệp và PTNN 1 Thanh Hóa cho rằng: Công trình thi công xây đá hộc xong gặp trời mưa khiến xi măng đã trôi không kết dín. Về kỹ thuật chúng tôi không chấp nhận, đang yêu cầu nhà thầu bóc làm lại. Còn đoạn lát kè bị sụt mái do đặt máy bơm nước khiến bị tụt mái, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại.
Tuy nhiên, trao đổi với ông Trương Văn Giang - Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng Công trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TT - Huế giải thích: Khi gia cố bằng đất cấp phối sợ mưa sẽ trôi gây sạt lở, nhà thầu đã cho thi công lát đá hộc nhằm giảm thiểu sạt lở, khi vừa thi công xong đã gặp trời mưa khiến phần xi măng đã bị trôi, còn lại cát. Khi phát hiện sự việc đã cho ngừng thi công, trách nhiệm thuộc nhà thầu chính chỉ đạo nhà thầu phụ phải khắc phục, xử lý. Những ngày này mưa nhiều nên nhà thầu chưa thể khắc phục, khi hết mưa sẽ yêu cầu nhà thầu xử lý kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi đã cho kiểm tra các điểm bị hư hỏng, sạt lở và sẽ yêu cầu nhà thầu phải khắc phục.
Nhiều người dân xã Phong Chương lo ngại rằng, dự án triển khai lúc nào cũng phải có giám sát của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu chính... nhưng vẫn để nhà thầu thi công ẩu, làm dối, có nguy cơ rút ruột công trình. Công trình mới thi công xong "đá đi theo đường đá, vữa đi theo đường vữa"... kè mới lát đã bị sụt cả đoạn. Nếu không phát hiện kịp thời, khi bàn giao đưa vào sử dụng xẩy ra hư hỏng ai phải chịu trách nhiệm?
Trí Đức
Theo