Trong góc nhìn của TS Trần Du Lịch, TP Thủ Đức không phải tờ giấy trắng để vẽ bức tranh tùy tiện mà phải ghép và cải biến "những mảnh giấy đã vẽ dang dở" thành một tuyệt tác.
Là người từng tham gia xây dựng "Đề án chính quyền đô thị TP.HCM" những năm 2006-2007, trong đó có mô hình thành phố Đông (TP Thủ Đức hiện nay), TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có nhiều trăn trở về sự hình thành của thành phố mới. Theo ông, sự ra đời của TP Thủ Đức là hiện thực hóa một chủ trương mà TP.HCM đã ấp ủ hơn 10 năm.
Từ quan điểm của mình, để thành phố mới đạt được những kỳ vọng đặt ra, TS Trần Du Lịch chỉ ra 3 việc cần làm ngay. Trong đó, chuyên gia nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là sớm xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức.
"Thóc đến đâu thì bồ câu đến đó"
Theo TS Trần Du Lịch, TP Thủ Đức là bước đột phá để thực hiện một chủ trương có từ hàng chục năm nay nhưng chưa hiệu quả, đó là phát triển TP.HCM theo hướng đa trung tâm. Đây cũng là hướng phát triển chính nhằm giải quyết các vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, vùng đô thị TP.HCM có 17 đô thị từ loại 3 đến loại 1 gắn với đô thị đặc biệt TP.HCM.
Các đô thị như TP Biên Hòa, thị xã Dĩ An, TP Nhơn Trạch, đô thị cảng hàng không Long Thành, TX Phú Mỹ… cùng với TP Thủ Đức sẽ hình thành một chuỗi đô thị khi giao thông kết nối được xây dựng hoàn chỉnh. Cụ thể là các đường vành đai 2 và 3; các cầu vượt qua sông Đồng Nai nối TP Thủ Đức với một phần TP Biên Hòa, TP Nhơn Trạch…
Nếu quan niệm "thóc đến đâu bồ câu đến đó" thì các nhân tố phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh đối trọng với đô thị cũ. |
Nếu nhìn trên quan điểm kinh tế vùng và vùng đô thị thì việc xây dựng TP Thủ Đức chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển các đô thị phía đông của vùng đô thị TP.HCM.
Trong quy hoạch tổng thể TP.HCM, TP Thủ Đức chứa đựng nhiều nhân tố để phát triển thuận lợi nhất so với các địa bàn khác.
Cụ thể, TP Thủ Đức có 2 cảng biển quan trọng trên sông Đồng Nai thuộc cụm cảng biển số 5 (cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu); Đại học Quốc gia TP.HCM; Khu công nghệ cao; Đô thị khởi nghiệp sáng tạo; Đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao tầm cỡ khu vực Rạch Chiếc; Công viên văn hóa lịch sử; đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt; tuyến tàu điện nội đô đầu tiên nối với các quận trung tâm TP...
"Nếu quan niệm 'thóc đến đâu bồ câu đến đó' thì các nhân tố phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh đối trọng với đô thị cũ, và chắc chắn sẽ có điều kiện để xây dựng đô thị xanh, thành phố thông minh trong một tương lai không xa", TS Lịch dự báo.
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông Lịch, động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào 5 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, sản phẩm công nghệ; dịch vụ cảng và logistics; giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ gắn với trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường tài chính gắn với xây dựng trung tâm tài chính và thương mại Thủ Thiêm; thị trường bất động sản gắn với quá trình đô thị hóa.
Nếu trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM bình quân khoảng 7,5-8 %/năm thì kinh tế trên địa bàn TP Thủ Đức chủ yếu dựa vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Do đó, TS Lịch cho rằng có thể kỳ vọng tăng trưởng bình quân hàng năm lên đến hai con số.
TP.HCM không nên làm thay TP Thủ Đức
"TP Thủ Đức không phải tờ giấy trắng để vẽ một bức tranh tùy tiện. Thay vào đó, thành phố mới phải ghép và cải biến 'những mảnh giấy đã vẽ dang dở' thành một tuyệt tác", TS Trần Du Lịch thẳng thắn nhìn nhận thực tế.
Do đó, chuyên gia cho rằng ngay trong năm đầu tiên, TP Thủ Đức cần quan tâm và tiến hành đồng thời 3 việc.
Quy hoạch phát triển TP Thủ Đức không phải là cộng 3 bản quy hoạch của 3 quận cũ lại, mà cần có một tầm nhìn mới, đúng vị trí, vai trò của đô thị mới này. |
Việc thứ nhất, quy hoạch lại tổng thể đô thị trên diện tích 211 km2 theo hướng hiện đại, phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Từ đó, làm cơ sở xây dựng hệ thống giao thông công cộng kết nối và hướng mở ra cả Vùng đô thị TP.HCM (trước mắt là các đường vành đai và các cầu nối với tỉnh Đồng Nai).
Đô thị mới cần được quy hoạch với triết lý phát triển đô thị xanh, đô thị sáng tạo và đô thị khoa học - công nghệ - đào tạo. TS Lịch nhấn mạnh quy hoạch phát triển TP Thủ Đức không phải là cộng 3 bản quy hoạch của 3 quận cũ lại (quận 2, 9, Thủ Đức cũ), mà cần có một tầm nhìn mới, đúng vị trí, vai trò của đô thị mới này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, thành phố sẽ phải đối mặt với một số trở lực khi thực hiện mục tiêu điều chỉnh quy hoạch đô thị mà nổi cộm nhất là tình trạng chiếm hữu đất đai và đầu cơ để “thổi giá đất”.
Cùng với đó, sự phát triển các khu dân cư tự phát trong nhiều năm qua dẫn đến tình trạng “da beo” về quỹ đất, khó để xây dựng các công trình trọng điểm. Đồng thời, nhiều dự án chưa giải quyết xong khiếu kiện của dân, tác động mạnh đến triển khai các dự án mới thực hiện theo quy hoạch.
Những dự án dang dở là một trong những trở lực trong phát triển của TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Việc thứ hai, TP Thủ Đức cần tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp thành phố đến cấp phường theo hệ thống dọc thông suốt và tinh thông nghiệp vụ, đưa tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu.
"Đây là vấn đề khó nhất vì liên quan đến con người cụ thể, nhưng nếu không vượt qua được thách thức này sẽ không thay đổi được chất lượng công vụ và thực hiện được nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố", chuyên gia khuyến cáo.
Việc phân quyền cần theo nguyên tắc việc gì chính quyền TP Thủ Đức có thể làm tốt thì phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức làm. |
Việc thứ ba và quan trọng nhất là xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đô thị Thủ Đức.
Mục đích là phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương và giảm bớt công việc của các sở, ngành TP.HCM. Việc phân quyền cần theo nguyên tắc việc gì chính quyền TP Thủ Đức có thể làm tốt thì phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức làm. Các sở, ngành của TP.HCM chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay.
"Một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị. Tất cả đều hướng tới mục tiêu TP Thủ Đức là hình mẫu của mô hình chính quyền đô thị hiện đại", TS Trần Du Lịch kiến nghị.
Theo Thu Hằng/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/tp-thu-duc-khong-phai-to-giay-trang-de-ve-buc-tranh-tuy-tien-post1187273.html