(Xây dựng) – Trước bối cảnh phát triển kinh tế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, phải đảm bảo hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường làm mục tiêu cao nhất… góp phần định hướng quy hoạch xây dựng các Khu kinh tế phát triển đồng bộ với hệ thống đô thị – nông thôn của Quốc gia.
Qua hơn 30 năm đổi mới, tầm vóc và vị thế của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực, từng bước hướng tới các mục tiêu trở thành địa phương đi đầu theo hướng hiện đại gắn với nền kinh tế tri thức.
Chính vì vậy, việc quy hoạch xây dựng các Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Đồng thời phải đảm bảo tính phù hợp với xu thế mới trong biến đổi cấu trúc giao thông giữa các hệ thống Khu công nghiệp với hệ thống đô thị mới và các điểm dân cư công nghiệp trong định hướng quy hoạch tổng thể.
Trong đó, tập trung phát triển theo hướng hình thành vùng công nghiệp – đô thị hiện đại gắn kết giữa phát triển khu đô thị, khu thương mại – dịch vụ, khu dân cư đảm bảo cho Khu công nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực trạng này đã tồn tại nhiều bất cập.
Không có khoảng cách an toàn theo quy định đối với Khu dân cư và người dân sinh sống quanh Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) (Ảnh: Nguyễn Kiên). |
Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng có đăng tải bài viết: Thành phố Hồ Chí Minh: Bao giờ hết “nhếch nhác” tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp và Có hay không việc “biến tướng” Khu công nghiệp thành Khu dân cư?. Nội dung phản ánh liên quan đến tình trạng “nhếch nhác” trong Khu công nghiệp do hành lang, hàng rào che chắn, khoảng cách an toàn, điều kiện mảng xanh và vệ sinh môi trường… trong Khu công nghiệp không được đảm bảo, luôn rình rập nhiều mối nguy ngại.
Điển hình từ phản ánh của người dân sinh sống liền kề với Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình) và Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12), dù đã có Thông tư, Nghị định được ký và ban hành trước đó quy định về những điều kiện hoạt động, quy chế, quy chuẩn… nhưng vẫn để tình trạng “bát nháo” tồn tại rất lâu. Điều này cũng nói lên vai trò, trách nhiệm và có cả sự buôn lỏng trong công tác quản lý của các Ban quản lý Khu công nghiệp này và chính quyền địa phương tại đây.
Bên cạnh đó, việc phát triển Khu công nghiệp với tốc độ nhanh, mạnh như thời gian qua còn tồn tại không ít những khó khăn và thách thức. Điều này thể hiện qua chất lượng các doanh nghiệp đang lấp đầy các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp phần nào đã làm ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Ngoài ra, nội dung phản ánh của Báo điện tử Xây dựng còn nêu lên thực trạng liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển Khu công nghiệp xen lẫn Khu dân cư đã làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Đặc biệt, việc sử dụng đất xây dựng Khu công nghiệp phải được quy hoạch phù hợp với tiềm năng phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội và các chiến lược phát triển của từng địa phương…
Tình trạng nhếch nhác tại một Khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Nguyễn Kiên). |
Mới đây, tại buổi làm việc với đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza). Nói về đời sống dân sinh và an ninh trật tự quanh các Khu công nghiệp, ông Phạm Thanh Trực – Phó trưởng Ban quản lý Hepza cho rằng: Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh đúng với tình trạng “bát nháo” tại khu vực các Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp. Phần đông những người dân đang sinh sống, buôn bán quanh đây mang tính tự phát diễn ra thời gian dài. Hiện Hepza đã có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị kiểm soát chặt tại các điểm Khu công nghiệp này, kết hợp cơ quan chức năng tìm giải pháp giải quyết triệt để nhằm ổn định cho nhu cầu đời sống công nhân và người lao động.
Ông Trực còn cho biết thêm, trong Quyết định quy hoạch thành lập Khu công nghiệp, việc bố trí Khu công nghiệp phải nằm cách xa Khu dân cư là điều kiện đầu tiên. Đối với tính chất dự án của từng Khu công nghiệp khác nhau thì xây dựng những hành lang che chắn an toàn khác nhau và được lưu thông với Khu dân cư. Nhưng Khu chế xuất thì bắt buộc phải có giới hạn tường rào, ranh giới an toàn để kiểm soát và nhận biết bằng nhãn quan.
Cũng tại buổi làm việc với phóng viên, nói về hướng giải pháp cho vấn đề đã phản ánh, ông Trực chia sẻ, thời gian qua, trước sự hoành hành của dịch Covid-19, dù nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Khu công nghiệp vẫn là nơi đóng góp lớn cho kinh tế của thành phố phát triển. Do đó, định hướng của Hepza cũng là chủ trương của rhành phố sẽ cố gắng giữ được hiện trạng Khu công nghiệp như hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh và định hướng cho doanh nghiệp sản xuất phù hợp với thế mạnh Khu công nghiệp … Nhưng đồng thời phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện về an toàn sức khoẻ người dân sinh sống liền kề Khu công nghiệp.
Không chỉ vậy, theo báo cáo về tình hình hoạt động Khu chế xuất – Khu công nghiệp gần đây của Hepza với UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ định hướng xây dựng và phát triển các Khu chế xuất, Khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với những đổi mới của xã hội, nhằm bắt kịp xu thế toàn cầu.
Còn đối với công tác quy hoạch xây dựng, Hepza thực hiện theo quyết định 30/2019/QĐ-UBND về quản lý trật tự xây dựng trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp để tiến hành kiểm tra các hoạt động xây dựng, cấp phép xây dựng, quyền sử dụng đất và sở hữu công trình của các doanh nghiệp… Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các phương án quy hoạch trên cơ sở góp ý với các Sở, ngành trước khi bổ sung vào quy hoạch các Khu công nghiệp.
Đặc biệt, Hepza kết hợp cùng cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc ảnh hưởng môi trường từ hoạt động sản xuất Khu công nghiệp đến cuộc sống của bà con dân cư sinh sống liền kề Khu công nghiệp xuống mức thấp nhất.
Trung Kiên – Hương Nguyên
Theo