(Xây dựng) - Vấn nạn về khoảng cách an toàn hành lang, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp luôn gây bất an đối với Khu dân cư, người dân sinh sống quanh đây. Tình trạng này còn là nỗi lo chung cho định hướng phát triển tại các Khu kinh tế trong thời gian tới…
Đường công cộng chạy thẳng vào KCN Tân Thới Hiệp, không bảo vệ gác trạm, không hàng rào chắn. |
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, nơi “thí điểm mô hình” Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) đầu tiên trên cả nước, nhằm thực hiện những mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Song song đó, thành phố cũng đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng gắn liền với chương trình đột phá phát triển hạ tầng giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, thành phố có đến 17 trong tổng số 19 KCX, KCN được thành lập đã đi vào hoạt động.
Đã có quy định trong Thông tư...
Từ khi nghị định 322-HĐBT được ký và ban hành “Quy chế” cho các ban quản lý KCX, KCN, Khu công nghệ cao (KCNC), Khu kinh tế… đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện mô hình mới mẻ và hiệu quả cho việc thúc đẩy kinh tế địa phương trong gần 30 năm qua. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của các doanh nghiệp đang lấp đầy các KCN, CCN như thời gian qua còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức và bất cập... làm ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương vẫn tồn tại những KCN dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, không có rào chắn hành lang. Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp xen lẫn Khu dân cư (KDC), khoảng cách giữa KCN với KDC không đảm bảo an toàn, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Trong đó, có cả ý thức trong công tác bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, nhà máy chưa hợp lý, hạn chế tác dụng điều hòa không khí và cảnh quan…
Hàng hóa bày bán tràn lan, bát nháo ngay từ cổng chính của KCN Tân Bình dẫn vào bên trong. |
Chính vì những lý do khách quan, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BXD vào cuối năm 2019, về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quy hoạch xây dựng KCN (bao gồm cả CCN), KCX và khu công nghệ cao (thay thế cho Quy chuẩn xây dựng QCVNXD 01:2008/BXD năm 2008), phải đảm bảo an toàn các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh. Cụ thể, phải tuân thủ các quy định chuyên ngành về khu vực bảo vệ và khoảng cách ly vệ sinh, an toàn giữa Khu dân dụng (Khu dân cư, Khu vực công cộng, công sở, trường học…) với xí nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trạm xử lý nước thải, khu xử lý chất thải rắn…
Ngoài ra, phải đảm bảo khoảng cách An toàn môi trường của các đối tượng gây ô nhiễm trong KCN, CCN, nhà xưởng sản xuất, kho chứa vật liệu, thành phẩm, phế thải có tính chất độc hại và các công trình phụ trợ khác. Bố trí dải cây xanh cách ly quanh KCN, kho tàng và CCN với chiều rộng ≥ 10m.
Đặc biệt, việc sử dụng đất xây dựng KCN, KCX và KCNC phải được quy hoạch phù hợp với tiềm năng phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội và các chiến lược phát triển có liên quan của từng địa phương.
Bên cạnh đó, tỷ lệ các loại đất này phụ thuộc vào loại hình, tính chất các cơ sở sản xuất, mô-đun diện tích của các lô đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho tàng… nhưng cần phù hợp với các quy định.
Cụ thể, tỷ lệ tối thiểu đất giao thông, đất cây xanh là 10% diện tích toàn khu, không bao gồm đất giao thông, cây xanh trong khuôn viên lô đất các cơ sở sản xuất. Mật độ xây dựng thuần của lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng tối đa là 70%, còn đối với các lô đất xây dựng nhà máy có trên 5 sàn sử dụng để sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa là 60%...
Vì thế, việc Quy hoạch xây dựng các KCN có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương và phải đồng bộ với định hướng phát triển hệ thống đô thị – nông thôn quốc gia, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Thực tế nhiều nơi còn “nhếch nhác”
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số KCN hiện nay, việc quy hoạch về hành lang, hàng rào che chắn, khoảng cách an toàn, điều kiện mảng xanh và vệ sinh môi trường giữa KCN với KDC không được đảm bảo, luôn rình rập nhiều mối nguy ngại, mất an ninh trật tự…
Tại KCN Tân Thới Hiệp (quận 12), Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận thực tế tại khu vực cổng chính tiếp giáp chợ Đông Quan và 2 cửa phụ vào KCN thông với đường HT12 và chợ Hiệp Thành không hành lang, không hàng rào che chắn, đông đúc người dân sinh sống liền kề với KCN, nhiều hàng quán bày bán, án ngữ, che khuất cả bảng hiệu KCN, xe vận tải hàng hóa thường xuyên ra vào hỗn loạn, tắc ngẽn...
Chị Thanh Phương - người dân sinh sống sát KCN cho hay, đường HT12 chạy thông vào giữa KCN nên trở thành đường công cộng cho bà con và cả công nhân lưu thông, do đó không có bảo vệ gác trạm. “ Chính vì thông giữa KCN với KDC, không có ranh giới, rào chắn, bảo vệ nên khi đêm xuống, người dân chúng tôi luôn bị tra tấn bởi các cuộc ăn nhậu, hò hét, nẹt bô, rú ga, đua xe của nhiều thanh niên trong KCN”. – chị Phương bức xúc kể lại.
Cùng phản ánh, cụ Bảy Nhanh (77 tuổi) than vãn: “Gia đình tôi sống cạnh KCN đã nhiều năm nên thường xuyên chứng kiến cảm giác nền, móng, tường nhà rung chuyển khi Công ty sản xuất sát vách lên xuống hàng hoá. Không chỉ vậy, phía sau tường nhà tôi, có Công ty đổ xà bần, rác thải, hoá chất, hương liệu nặng mùi, mất vệ sinh… phát tán ra gây khó thở, ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống của nhiều người”.
Còn khảo sát tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình) cho thấy, toàn khu có diện tích đất quy hoạch hơn 128ha, với 03 khu dân cư phụ trợ nằm liền kề tiếp giáp với quận Tân Phú và quận Bình Tân. Các nhà máy, xưởng sản xuất nằm rải rác qua nhiều trục đường, xen lẫn nhà dân, có những trục đường trong KCN biến thành đường dân sinh…
Tại đây, phóng viên còn ghi nhận rất nhiều hộ dân buôn bán “nhếch nhác” dọc theo con đường từ cổng KCN Tân Bình dẫn vào. Đặc biệt hơn, không có hành lang, không có khoảng cách che chắn, không có khuôn viên an toàn, xe cộ qua lại tấp nập, thường xuyên gây ách tắc cho người tham gia giao thông và công nhân.
Có lẽ, nơi đây không còn là một KCN đúng mực. Vì những bức xúc của người dân sinh sống quanh đây bị rơi vào quên lãng và họ cùng chung sự ngao ngán nên “Đành sống chung với ô nhiễm và tạp nham, chứ giờ biết làm sao vì nhà thì chẳng thể có điều kiện kinh tế để chuyển đi sống ở nơi khác được…”. Chú Minh – người dân lớn tuổi sống trong KCN Tân Bình cho biết.
Do đó, tình trạng về khoảng cách an toàn, hành lang, rào chắn, cây xanh cách ly giữa KCN với KDC không rõ ràng và đang tồn tại. Điều này đã gây nên việc mất trật tự đô thị, không an toàn cho đời sống dân sinh và hạn chế phát triển kinh tế.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà – Trưởng khoa Môi trường thuộc Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tất cả những KCN thường đều có những KDC trong hoặc xung quanh KCN nhằm đáp ứng nhu cầu cho công nhân và người lao động. Tuy nhiên, cần xem xét KCN đó có nảy sinh những vấn đề môi trường ảnh hưởng đến khu vực KDC hay không. Đây là vấn đề đòi hỏi việc đánh giá chính xác về tác động môi trường và thực thi một cách nghiêm ngặt.
Ở góc độ lo ngại khác, nhiều chuyên gia, nhà khoa học thì cảnh báo, khi KCX, KCN, CCN quy hoạch quá gần kề KDC thì sự nguy hiểm luôn rình rập, chỉ đơn cử hoả hoạn xảy ra thì ảnh hưởng là vô cùng lớn. Nếu không thiệt hại về tính mạng, tài sản, thì môi trường không khí, tiếng ồn, an ninh trật tự bị ảnh hưởng trực tiếp là điều khó tránh khỏi.
Thống kê gần đây, chỉ tính riêng năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra hàng chục vụ hoả hoạn tại các Khu kinh tế. Tại KCX Tân Thuận, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, vụ cháy tại Công ty Technology Việt Nam (quận 7) đã xảy ra vào chiều tối ngày 30/4. Ngày 26/8, kho chứa hàng gia dụng thuộc Công ty ngôi nhà Ánh Dương miền Nam (KCN Tân Tạo, Bình Tân) bốc cháy, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngày 21/10, tại Công ty Fushin Furniture (KCN Bình Chiểu, Thủ Đức) cũng xảy ra vụ hỏa hoạn lớn...
Trước những thách thức hiện tại, việc sử dụng đất, khoảng cách an toàn từ KCN đến KDC được xác định tại đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở tuân thủ pháp luật và các ngành liên quan. Đặc biệt, quy hoạch KCN xen lẫn trong KDC cần phải có đánh giá tác động môi trường ngay từ ban đầu một cách nghiêm túc, liên tục giám sát, bảo vệ hành lang, luôn đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Tình trạng kẹt xẹt tại KCN Tân Bình diễn ra thường xuyên, gây khó chịu cho người tham gia giao thông. |
Chính vì vậy, việc phát triển các KCX, KCN, CCN phải đảm bảo hài hòa lợi ích, lâu dài, lấy hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất.
Nguyễn Kiên – Quỳnh Hương
Theo