Thứ sáu 19/04/2024 06:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thuỵ Khuê (Tây Hồ): Lấn chiếm đất đền Voi Phục xây dựng công trình cao tầng khiến nhân dân bức xúc

14:21 | 14/01/2021

(Xây dựng) – Di tích Lịch sử cấp Quốc gia thuộc Tứ trấn Thăng Long (đền Voi Phục) cần phải được gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng hàng nghìn m2 đất thuộc vị trí Giếng Ngọc của ngôi đền này đang bị Xí nghiệp Xây dựng Phát triển nhà Ba Đình chiếm giữ, chuẩn bị cho xây dựng công trình cao tầng tại số 270 Thuỵ Khuê (nằm đối diện cổng đền).

thuy khue tay ho lan chiem dat den voi phuc xay dung cong trinh cao tang khien nhan dan buc xuc
Đền Voi Phục được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc Gia năm 1986.

Người dân khẳng định Giếng Ngọc đền Voi Phục có tồn tại

Theo đơn kêu cứu gửi đến Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Tiểu ban Di tích đền Voi Phục – chùa Châu Lâm Thuỵ Khuê cho biết: Di tích đền Voi Phục là ngôi đền thờ Hoàng tử Linh Lang, con thứ của vua Lý Thái Tông, người đã có công chống quân Tống xâm lược. Năm 1986, đền được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc Gia.

Căn cứ vào biên bản quy định khu vực bảo vệ, di tích của Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội ngày 20/12/1985 và sơ đồ khoanh vùng khu vực di tích, quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 thì khu vực khoanh vùng di tích còn có một Giếng Ngọc nằm ở ven Hồ Tây, nay thuộc Xí nghiệp Xây dựng Phát triển nhà Ba Đình quản lý tại số 270 Thuỵ Khuê.

Ông cũng chia sẻ, dù đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các ngành chức năng về việc lấn chiếm đất chùa và xin được phục dựng lại vị trí Giếng Ngọc; Phường Thuỵ Khuê cũng đã tổ chức họp, các bô lão trong khu vực đã đứng ra làm chứng và có ý kiến nhưng nhiều năm qua, sự việc vẫn rơi vào im lặng.

thuy khue tay ho lan chiem dat den voi phuc xay dung cong trinh cao tang khien nhan dan buc xuc
Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Tiểu ban Di tích đền Voi Phục – chùa Châu Lâm Thuỵ Khuê khẳng định hạng mục Giếng Ngọc có tồn tại và bị lấn chiếm

Theo tìm hiểu được biết, tháng 9/2017, sau khi Trưởng Tiểu ban Di tích đền Voi Phục – chùa Châu Lâm Thuỵ Khuê trình bày về việc xin phục dựng lại giếng Ngọc, UBND phường Thuỵ Khuê sau đó đã có Văn bản gửi UBND quận Tây Hồ để xin ý kiến.

Trả lời UBND phường Thuỵ Khuê, Phòng Văn hoá và Thông tin quận đã có Văn bản số 349/VHTT ngày 21/11/2017. Theo Văn bản này, Phòng Văn hoá và Thông tin quận có ý kiến như sau: “Di tích đền Voi Phục, phường Thuỵ Khê đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 27/1/1986 của Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Căn cứ Hồ sơ xếp hạng đền Voi Phục năm 1986 hiện lưu giữ tại Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho thấy: Hạng mục giếng Ngọc không được thể hiện trong phần bản đồ, biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ và lý lịch di tích đền Voi Phục cũng không mô tả hạng mục này. Theo quy định của Luật Di sản Văn hoá, việc phục hồi di tích phải dựa trên các cứ liệu khoa học về di tích”.

“Để phục dựng giếng Ngọc, theo quy định của Luật Di sản Văn hoá, Phòng Văn hoá quận yêu cầu phường Thuỵ Khuê hướng dẫn Tiểu ban quản lý di tích đền Voi Phục thu thập thông tin về hạng mục giếng Ngọc (bao gồm: Tư liệu, ảnh, lời kể nhân chứng, biên bản lấy ý kiến của nhân dân và chính quyền địa phương). Trên cơ sở thông tin thu được, UBND phường Thuỵ Khuê có Văn bản trả lời Phòng Văn hoá quận để báo cáo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội theo quy định”, văn bản nêu rõ.

Thực hiện Văn bản này, UBND phường Thuỵ Khuê đã tổ chức các buổi Hội thảo, Hội nghị với sự tham dự của các cụ cao niên có độ tuổi từ 71 tuổi đến 86 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường. Kết quả 100% các thành phần tham dự Hội nghị khẳng định giếng Ngọc từng tồn tại, nằm trong khuôn viên đền Voi Phục và có nguyện vọng xin dựng lại giếng Ngọc. UBND phường sau đó đã đã báo cáo cấp trên nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo biên bản Hội nghị tọa đàm về nguồn gốc giếng Ngọc đền Voi Phục do UBND phường Thuỵ Khuê tổ chức ngày 1/3/2019, hoạ sỹ Nguyễn Hiệp - Hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương cho biết: “Thời kỳ giếng Ngọc - đền Voi Phục chưa bị san lấp, lấn chiếm, tôi có đưa học sinh trường Mỹ thuật về vẽ giếng Ngọc - đền Voi Phục. Tôi đã cung cấp bức tranh này cho Tiểu ban Di tích lịch sử đền Voi Phục. Lúc đó, giếng Ngọc có vị trí nằm gần cây si, địa điểm này có tên là hồ Gương. Đền Voi Phục hướng về phía Bắc về đường thành Thăng Long, trước cửa đền có một cầu bắc qua, sau khi Pháp chiếm đóng làm đường thì đền quay về hướng Bắc”.

Ông Hà Xuân Lan (81 tuổi ngụ tại 238 Thuỵ Khê) chia sẻ: “Tôi là người lớn lên tại đất Thuỵ Chương, từ bé đã thường xuyên đi qua khu vực Giếng Ngọc trước cửa đền Voi Phục. Cụ Hà Văn May (nay đã mất) người trông giữ đền Voi Phục trước đây cho biết, đơn vị san lấp giếng Ngọc là Xí nghiệp xây dựng quản lý nhà Ba Đình. Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ thậm chí là chống Nhật, chúng tôi thường di qua khu vực giếng Ngọc - đền Voi Phục”.

“Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên lên khu vực đền Voi Phục để bắt tôm, cá, trước cửa đền Voi Phục còn có giếng Ngọc. Là người dân làng Thuỵ Khuê, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm lấy lại diện tích giếng Ngọc cho đền Voi Phục”, ông Phan Trung Kết - 28/125 Thuỵ Khuê bày tỏ.

Xây công trình cao tầng trên nền đất giếng Ngọc?

Trong khi những tài liệu, chứng cứ của vị trí giếng Ngọc - đền Voi Phục đang được xác định và trình lên cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, thì những ngày qua, người dân phường Thuỵ Khuê bức xúc phản ánh về việc nhà đầu tư chuẩn bị cho xây dựng công trình toà nhà cao tầng tại số 270 Thuỵ Khuê - vị trí được các cụ cao niên xác định có tồn tại giếng Ngọc.

thuy khue tay ho lan chiem dat den voi phuc xay dung cong trinh cao tang khien nhan dan buc xuc
Nhà đầu tư chuẩn bị cho xây dựng công trình cao tầng tại số 270 Thuỵ Khuê

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về việc này, ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Tiểu ban Di tích đền Voi Phục – chùa Châu Lâm Thuỵ Khuê cho biết: “Hiện nay xí nghiệp chuẩn bị cho xây dựng một công trình cao tầng, nằm đối diện cổng đền tại số 270 Thuỵ Khuê là không thực hiện đúng Luật Di sản và sẽ xâm hại nghiêm trọng đến di tích lịch sử Quốc gia, mà theo nguyên tắc cần phải được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt”.

Anh H. người dân sinh sống liền kề công trình 270 Thuỵ Khuê cho biết, những ngày qua, chủ đầu tư cho máy móc san ủi mặt bằng công trình gây nứt tường, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của bà con quanh khu vực, đặc biệt, vị trí này được xác định là giếng Ngọc - đền Voi Phục thì phải được xem xét, bảo vệ, nhưng không hiểu lý do vì sao, các ngành chức năng vẫn cho xây dựng công trình cao tầng tại đây.

Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khu vực bảo vệ di tích bao gồm 2 khu vực bảo vệ. Cụ thể là:

a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định và đối với di tích Quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hoạt động xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Như vậy, với trường hợp này, việc xây dựng công trình số 270 Thuỵ Khuê đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích như luật đã nêu.

Cũng theo ông Tùng và một số tài liệu như bản đồ khoanh vùng di tích tỷ lệ 1/1.500 và biên bản quy định khu vực bảo vệ di tích của Sở Văn hoá Thành phố Hà Nội lập năm 1985 thì khu vực giếng Ngọc hiện nằm trong khu đất do Xí nghiệp Xây dựng Phát triển nhà Ba Đình quản lý, sử dụng; thuộc một phần thửa đất số 18, tờ bản đồ 8G-III-26 lập năm 1999, địa chỉ số 270 đường Thuỵ Khê, phường Thuỵ Khê, Thành phố Hà Nội.

Nội dung văn bản trả lời của Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên Môi trường Hà Nội về hồ sơ trích lục bản đồ nguồn gốc khu vực giếng Ngọc - đền Voi Phục cũng xác định sự tồn tại có liên quan. Theo đó: “Thửa đất số 27, tờ bản đồ 8G-III-32 (bản đồ lập năm 1999), phường Thuỵ Khê có nguồn gốc ở vị trí tương đối tại thửa đất số 521, tờ bản đồ số 6 (lập năm 1940) làng Thuỵ Khê. Theo tài liệu lưu trữ, thửa đất số 521, tờ bản đồ số 6 (bản đồ lập năm 1940) làng Thuỵ Khuê nguyên đứng tên Làng Thuỵ Khê. Ngoài ra, trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên Môi trường Hà Nội gửi kèm bản photo sơ đồ thửa đất 521, tờ bản đồ số 6 (lập năm 1940) làng Thuỵ Khê để UBND phường Thuỵ Khê tham khảo”.

thuy khue tay ho lan chiem dat den voi phuc xay dung cong trinh cao tang khien nhan dan buc xuc
Khoảng cách xây dựng công trình cao tầng và Di tịch lịch sử Quốc Gia Đền Voi Phục là 1 con đường.

Căn cứ các hồ sơ tài liệu gồm bản đồ làng Thuỵ Khuê, thửa đất số 521, tờ bản đồ số 6 (lập năm 1940) do trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên Môi trường Hà Nội cung cấp; biên bản Hội nghị tọa đàm do UBND phường tổ chức với sự tham dự của các cụ cao niên có độ tuổi từ 71 tuổi đến 86 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường, ngày 19/6/2019, UBND Phường Thuỵ Khuê đã có Văn bản gửi UBND quận Tây Hồ và các phòng ban chuyên môn về việc xin phục dựng lại hạng mục giếng Ngọc, hạng mục thuộc di tích lịch sử đền Voi Phục, tuy nhiên đến nay, các ngành chức năng quận Tây Hồ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về việc này.

Trong khi, hạng mục giếng Ngọc đang được xác định thì việc nhà đầu tư cho xây dựng công trình nhà cao tầng tại số 270 Thuỵ Khuê là việc làm có nguy cơ xâm hại và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Di tích lịch sử Quốc gia đền Voi Phục.

Trước sự việc nêu trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Sở văn hoá Thể thao và Du Lịch Hà Nội, UBND quận Tây Hồ sớm có chỉ đạo làm rõ, qua đó xác định vị trí để phục dựng lại hạng mục giếng Ngọc cho đền Voi Phục. Cũng cần làm rõ, ai là người đã lấn chiếm đất Đền nhiều năm qua, đặc biệt là việc chuẩn bị cho đầu tư xây dựng công trình cao tầng nằm ngay đối diện cổng Đền với khoảng cách, chỉ vài bước chân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load