Thứ năm 26/12/2024 21:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

“Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”

15:12 | 11/10/2022

(Xây dựng) - Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam sẽ trở thành sự kiện thường niên do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Và đây chỉ là một trong những hành động của ngành Xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

thuc day cong trinh xanh huong toi muc tieu hien thuc hoa cam ket cua viet nam tai cop 26
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các Công trình xanh.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng

Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy Công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”. Trước đó, năm 2020, Bộ Xây dựng tổ chức thành công Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam lần thứ nhất. Bộ Xây dựng dự kiến phát triển Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam thành hoạt động thường niên.

Thông qua chuỗi sự kiện tại các Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành cùng các bên liên quan trong thị trường xây dựng như các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu, các hội chuyên môn, các tổ chức tài chính, tổ chức đánh giá chứng nhận Công trình xanh… cùng phân tích thực trạng, cơ hội, rào cản từ đó đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các Công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định: Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các Công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Qua đó, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng, Công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, bảo vệ môi trường…

Theo ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của các quốc gia. Kết quả khảo sát và đánh giá thực tế của của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới) cho thấy: Các công trình xây dựng tuân thủ quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD (về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả) tiết kiệm được 15-35% năng lượng so với các công trình được thiết kế và xây dựng theo cách thông thường. Do đó, tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng rất quan trọng. Việc thúc đấy phát triển Công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng là vô cùng cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ Xây dựng, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: Các thành phố và các tòa nhà cũng chính là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Song nếu các thành phố và tòa nhà được xanh hóa với các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thì chúng có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bà Caitlin Wiesen ủng hộ việc tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong phát triển Công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. “Việc thúc đẩy phát triển Công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức và năng lực của các chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và cán bộ nghiệm thu công trình”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

thuc day cong trinh xanh huong toi muc tieu hien thuc hoa cam ket cua viet nam tai cop 26
Việc thúc đẩy phát triển Công trình xanh chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan.

Ngành Xây dựng hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26

Việc chủ trì tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam chỉ là một trong những hoạt động của ngành Xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ: Đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Thực tế, các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như Chiến lược và Kế hoach hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững…

Các Bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”… Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.

thuc day cong trinh xanh huong toi muc tieu hien thuc hoa cam ket cua viet nam tai cop 26
Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 Công trình xanh.

Về phát triển Công trình xanh, qua hơn 10 năm qua, số lượng Công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Để đạt mục tiêu Việt Nam trở thành một nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì Việt Nam phải có nhiều lỗ lực trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng.

Theo mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết số 06/NQ-TW đặt ra: Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, diện tích m2 sàn nhà ở/01 người dân đô thị đạt 32 m2 (hiện nay khoảng 25 m2). Do đó, những năm tới ngành Xây dựng có nhiệm vụ nặng nề và trách nhiệm lớn đảm bảo nhu cầu ở cho người dân, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực được Chính phủ giao.

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tại Phụ lục I về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, các lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tđ, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng); Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; Tòa nhà. Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ giao trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh nhận định: Mục tiêu giảm phát thải không chỉ là lời nói, mà đã là con số được định lượng một cách khoa học, được quốc tế công nhận, được Chính phủ giao cho các Bộ, ngành. Với ngành Xây dựng, một trong ba lĩnh vực giảm phát thải và phải được kiểm kê là các tòa nhà (trước mắt là các tòa nhà thương mại có tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE). Do vậy, việc triển khai xây dựng mới, hoặc cải tạo các công trình hiện có đạt các tiêu chí của Công trình xanh (giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường…) là một trọng tâm của ngành Xây dựng trong thời gian tới.

Cũng theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển Công trình xanh, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh… Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các côngtrình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, quy chuẩn này đã ban hành năm 2013 và soát xét, cập nhật năm 2017 và hiện nay (năm 2022) đang tiếp tục soát xét cập nhật…

Với các chương trình hành động thiết thực nói trên, ngành Xây dựng đang tích cực hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load