Thứ ba 23/04/2024 22:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thừa Thiên – Huế: Tranh thủ thời tiết tốt để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn

11:17 | 24/02/2021

(Xây dựng) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, các nhà thầu thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Thừa Thiên - Huế đã đồng loạt triển khai, tranh thủ điều kiện thời tiết nắng ráo thuận lợi nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

thua thien hue tranh thu thoi tiet tot de day nhanh tien do du an cao toc cam lo la son
Tất cả các nhà thầu đồng loạt triển khai, tranh thủ điều kiện thời tiết nắng ráo, thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ.

Yêu cầu tập trung xử lý mặt bằng còn vướng

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay đã bàn giao 65,9 km/66,3km, đạt 99,25%. Nguyên nhân chậm trễ là do một số hộ dân chưa thống nhất theo phương án bồi thường về giá đất và tài sản trên đất, người dân đang đợi làm xong nhà tại các khu tái định cư mới di chuyển. Ngoài ra, cuối năm 2020, thời tiết khắc nghiệt, mưa kéo dài ảnh hưởng đến việc triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh phí bồi thường hỗ trợ di dời, xây dựng tái định cư còn thiếu…

Công tác tái định cư, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 9 khu tái định cư để bố trí cho 178 hộ. Đến nay đã hoàn thành và người dân đã xây nhà, di dời đến các khu tái định cư. Hiện trên tuyến còn 20 ngôi nhà tại thị xã Hương Trà đang xây dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2/2021.

thua thien hue tranh thu thoi tiet tot de day nhanh tien do du an cao toc cam lo la son
Còn 4 hộ dân ở xã Thủy Băng, thị xã Hương Thủy chưa chịu nhận tiền đền bù để di dời bàn giao mặt bằng cho dự án.

Theo Sở Giao thông Vận tải, nhằm đẩy nhanh công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, Ban Giải phóng mặt bằng cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường các điểm di dời. Tất cả các bên liên quan đang nỗ lực giải quyết vướng mắc, dự kiến kế hoạch xong cuối tháng 2/2021. Đối với hạ tầng kỹ thuật cấp nước, viễn thông (VNPT và Viettel) cơ bản đã được di dời, di dời tạm đảm bảo mặt bằng cho đơn vị thi công. Tại một số vị trí do các hạ tầng kỹ thuật phải chôn sâu dưới nền đường nên phải đợi đơn vị thi công cao tốc hạ cao độ nền đường, các đơn vị thi công hạ tầng kỹ thuật mới tiến hành triển khai lắp đặt.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, trên toàn tuyến có 30 vị trí ảnh hưởng, hiện Điện lực Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai di dời. Ngoài ra, phát sinh một số đường dây cấp điện, nước sau đồng hồ, các đơn vị đang tiến hành lập hồ sơ bổ sung và di dời trước để bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền địa phương cùng các sở, ban ngành liên quan tập trung di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao theo cam kết. Những hộ dân đã nhận tiền đền bù, chưa di chuyển và bàn giao mặt bằng cho dự án, chính quyền địa phương cần vận động, có giải pháp quyết liệt, kịp thời để bàn giao mặt bằng dứt điểm, không để kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tập trung lực lượng, ra quân đẩy nhanh tiến độ

Ông Nguyễn Vũ Quý - Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay: Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, Ban và các đơn vị tư vấn, giám sát đảm bảo quân số 100% trở lại công trường. Dự án hiện đã đạt khoảng 34% tiến độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Dọc hơn 60 km dự án, nhiều đoạn tuyến đã thành hình hài. Riêng tại gói thầu XL09 còn một số điểm vướng mặt bằng, nhất là đoạn phía bắc và phía nam cầu Tuần, khiến nhà thầu gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt. Hiện nay, gói thầu này đang tiếp tục bố trí 6 mũi thi công cầu và 5 mũi thi công đường. Tại Quảng Trị, hơn 37km thuộc gói thầu XL01, XL02 và XL03, hàng trăm công nhân cũng hối hả thi công sau tết, nhà thầu hiện đã cấp phối đá dăm loại II được khoảng 3.530 m3, thi công xong 14/14 cống thoát nước tuyến chính, thi công xong 5/5 hầm chui dân sinh...

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, năm 2020 do ảnh hưởng của bão lũ khu vực miền Trung và khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp khiến một số gói thầu có chậm so với kế hoạch. Ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu thi công lập kế hoạch triển khai thi công các khối lượng còn lại, có giải pháp để bù lại các khối lượng bị chậm theo hướng tăng thêm các mũi thi công, làm tăng ca để hoàn thành theo hợp đồng. Dự kiến tháng 2/2021 sẽ cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, tháng 5/2021 sẽ hoàn thành phần nền thông thường và đoạn nào xong sẽ cho thảm nhựa lớp một.

Kiểm tra thực địa tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quân ngày đầu năm 2021, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: Đây là công trình trọng điểm, mẫu mực quốc gia nên cần hạn chế tối đa những thiếu sót. Sau kỳ nghỉ Tết, các đơn vị phải tập trung lực lượng, ra quân thực hiện dự án, trong đó tiến độ thi công, chất lượng công trình là hai yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu của dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà thầu phải xây dựng tiến độ thi công phù hợp, khoa học để thực hiện thi công công trình đúng tiến độ đặt ra. Đơn vị giám sát công trình cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng nhắc nhở các đơn vị phải kiểm soát tốt phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thi công, nhất là công nhân viên chức, người lao động trở về làm việc sau kỳ nghỉ tết, đặc biệt chú trọng người lao động về từ Quảng Ninh và Hải Dương. Đảm bảo các yếu tố an toàn, góp phần hoàn thành tiến độ theo yêu cầu đã đề ra.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng… Dự án được khởi công từ tháng 9/2019, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load