Thứ tư 05/02/2025 14:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây giai đoạn 1

16:18 | 02/01/2014

Ngày 02/01, tại Trạm thu phí Long Phước (lý trình Km 11+000),  P.Long Phước, Q.9, TP.HCM, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đoạn từ Vành đai II đến QL51 thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM nối Ql51, sân bay quốc tế Long Thành và QL1A. Dự án đi qua địa phận của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển... đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các vùng lân cận phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực....

Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 334/QĐ-BGTVT ngày 13/02/2007 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2445/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2008 và Quyết định số 3064/QĐ-BGTVT ngày 28/11/2012. Tổng chiều dài toàn tuyến là 55km được chia làm hai dự án thành phần: 

Dự án thành phần I (đoạn An Phú – Vành đai II): Thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 100km/h, quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn dừng khẩn cấp 2x3m.

Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây): Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A TCVN 5729-97, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100km/h; Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m; phần mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn I: 20.630 tỷ đồng. Nguồn vốn: vay OCR của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640,3 triệu USD và vốn đối ứng.

Đoạn từ vành đai II đến QL51 có lý trình từ Km 4+000 – Km 23+900, thuộc phạm vi các gói thầu xây lắp 1A, 1B, 2 và 3 do các nhà thầu TCty Cầu đường Trung Quốc (CRBC-Trung Quốc), liên danh TCty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) - TCty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) (Việt Nam) và Cty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng POSCO (POSCO E&C) (Hàn Quốc) thi công xây dựng.

Tư vấn thiết kế: Liên danh Nippon Koei Co., Ltd - KRI International Corp. (Nhật Bản), Hafico Group và Mekong Economics Ltd. (Việt Nam); Tư vấn giám sát: Liên danh Nippon Koei - TEDI South. 

Mặc dù dự án được đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, công tác GPMB ở một số địa phương bị chậm, tuy nhiên được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan và các cấp chính quyền cơ sở của hai địa phương cùng với sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, đến nay đoạn Vành đai II - Long Thành có chiều dài 20km đã được hoàn thành với khối lượng các hạng mục thi công rất lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp bao gồm 11,5km cầu và cầu cạn, trong đó gói thầu cầu Long Thành dài 2,35km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam; 8,5km đường cao tốc gồm hơn 6km xử lý nền đất yếu bằng các biện pháp tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, mới được áp dụng tại Việt Nam để xử lý nền đất yếu cho dự án nhằm nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công như: cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không... tương ứng với các khối lượng chính khoảng: hơn 2 triệu m3 đào đắp; gần 200 nghìn m3 cấp phối đá dăm; hơn 1,2 triệu m2 bê tông nhựa các loại; hơn 200 nghìn m3 bê tông; gần 200 nghìn mét dài cọc khoan nhồi; hơn 40 nghìn tấn thép; hơn 2.500 phiến dầm BTCT DƯL các loại; hơn 250 nghìn m dài bấc thấm; hàng trăm nghìn m2 xử lý hút chân không và hơn 200 nghìn mét dài cọc đất gia cố xi măng....     

Ngoài ra do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng dự án phức tạp, vì vậy trong quá trình khảo sát, thiết kế Bộ GTVT và chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của dự án, điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực... giảm chi phí xây dựng của dự án so với phương án dự kiến ban đầu hàng nghìn tỷ đồng. 

Được sự cho phép của Chính phủ và Bộ GTVT, để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, tăng nguồn thu cho VEC để giảm áp lực về hoàn vốn, giảm ách tắc giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM và Đồng Nai... VEC tổ chức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm thời đoạn tuyến đoạn từ Vành đai II đến QL51.

Để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường vào khai thác, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với các cơ quan: Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.

Trong quá trình khai thác tạm, Chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án để đưa toàn bộ tuyến đường vào khai thác trong năm 2015 theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây đoạn Vành đai II đến QL51 sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP.HCM như đi huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22km với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút.

Từ TP.HCM đi Vũng Tầu hiện nay dài khoảng 120km thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Khi thông xe đoạn tuyến cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút đồng hồ do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.

Đi Ngã ba Dầu Giây (đi QL20 hoặc QL1A)  hiện nay dài khoảng 70km thời gian lưu thông mất 2,5 giờ đồng hồ và thường xuyên ùn tắc. Nay sẽ rút ngắn so với với tuyến đường hiện hữu 20km và thời gian rút ngắn xuống còn khoảng 1 giờ và 20 phút.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load