(Xây dựng) - Nhà thầu và chủ đầu tư cho rằng, tình trạng xe quá tải trọng thường xuyên lưu thông trên đê là nguyên nhân dẫn đến tuyến đê sông Chu đoạn chạy qua địa bàn huyện Thọ Xuân nhanh chóng bị hư hỏng.
Xe quá tải trọng lưu thông trên tuyến đê tả sông Chu. |
Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết phản ánh về thực trạng nhiều đoạn đê sông Chu được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã hư hỏng nghiêm trọng.
Theo tài liệu của phóng viên có được, tại dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách đê tả sông Chu đoạn K6 đến K15+800 huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với giải pháp kỹ thuật chủ yếu như: Hoàn thiện mặt đê trên cơ sở tuyến hiện trạng, đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt đê (bằng đắp đất khai thác tại mỏ, đầm nén đạt độ chặt yêu cầu K≥0,95) đảm bảo Bn = 6m, hệ số mái phía sông m=2 phía đồng m = 2÷3; mái đê phần đắp mới được trồng cỏ bảo vệ...
Còn đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý cấp bách đê hữu sông Chu đoạn K16+700 đến K24+142 huyện Thọ Xuân được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với giải pháp kỹ thuật như: Đắp áp trúc mở rộng mặt đê đảm bảo mặt đê rộng 6m, dung trọng đất đắp ɤk ≥1,54 T/m3; hệ số mái đê phía sông m = 2, phía đồng m = 3; mái đê đắp mới được trồng cỏ bảo vệ. Riêng đoạn từ K19+741 ÷ K24 + 142 bố trí cơ đê phía sống rộng 3m ở cao trình + 13.00m...
Trọng tải cho phép ≤12 tấn nhưng xe có trọng tải hàng chục tấn vẫn lưu thông trên tuyến đê hữu sông Chu. |
Liên quan đến việc nhiều đoạn đê trên bị hư hỏng nghiêm trọng, ông Cao Bát Chí - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (chủ đầu tư) thừa nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu. Trong đó, tuyến hữu sông Chu xuống cấp nghiêm trọng hơn. Đồng thời ông Chí cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng (tức chính quyền địa phương - PV).
Ngoài ra, phóng viên cũng được cung cấp cho một số văn bản của các nhà thầu thi công dự án kiến nghị về thực trạng xe quá tải trọng lưu thông trên tuyến đê là nguyên nhân dẫn đến công trình bị hư hỏng. Cụ thể, ngày 15/5/2020, Công ty TNHH Hòa Bình (đơn vị thi công công trình xử lý cấp bách đê tả sông Chu đoạn K6 đến K15+800 huyện Thọ Xuân) có Công văn số 45/CV-HB về việc cấm xe quá tải chạy trên đê tả sông Chu đoạn K6 - K15+800 huyện Thọ Xuân và K25 - K34+100 huyện Thiệu Hóa với nội dung chính sau: Công trình xử lý cấp bách đê tả sông Chu đoạn từ K6 - K15+800 huyện Thọ Xuân và K25 - K34+100 huyện Thiệu Hóa hiện nay đang trong quá trình bảo hành công trình. Tuy nhiên trên tuyến đường đê có rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép làm ảnh hưởng đến mặt đường đê đã hoàn thiện... Công ty chúng tôi làm văn bản này đề nghị chủ đầu tư, UBND huyện Thọ Xuân; UBND huyện Thiệu Hóa; Chi Cục thủy lợi Thanh Hóa sớm có biện pháp cấm những xe vận chuyển vật liệu quá khổ đi lại trên tuyến đường đê trên để đơn vị chúng tôi có cơ sở thực hiện công tác bảo hành công theo quy định.
Tiếp đó, ngày 22/5/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cũng có Công văn số 261/CV-CTT về việc xe quá tải trọng đi trên tuyến đê thuộc dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Chu đoạn K16+700 - K24+142 huyện Thọ Xuân (do đơn vị thi công - PV) nội dung công văn nêu: Sau khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng nhà thầu chúng tôi vẫn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình về việc bảo hành công trình. Theo thiết kế thì công trình đưa vào sử dụng với trọng tải cho phép ≤12 tấn, nhưng hiện nay phương tiện giao thông chở vật liệu xây dựng hoạt động thường xuyên, trong đó rất nhiều xe 3 chân, 4 chân tải trọng trên 20 tấn hoạt động suốt ngày đêm (có hình ảnh kèm theo). Do vậy nhà thầu chúng tôi tha thiết khẩn cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân, Chi Cục thủy lợi Thanh Hóa có biện pháp ngăn chặn xe quá tải.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên tuyến đê tả và hữu sông Chu. Qua đó, yêu cầu các chủ bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn có sử dụng các tuyến đê làm đường vận chuyển phải cam kết và chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa thường xuyên các điểm hư hỏng trên mặt đê do quá trình vận chuyển cát, sỏi gây ra; cam kết không bán, xúc cát, sỏi cho các xe quá tải trọng cho phép đi trên đê. Trường hợp chủ bãi tập kết cố tình không chấp hành các yêu cầu trên, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thu hồi giấy phép đã cấp.
Trần Cường - Tiến Anh
Theo