Thứ tư 11/12/2024 09:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?

14:58 | 08/09/2023

(Xây dựng) - Theo người dân, mặc dù UBND huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) mới ra thông báo quyết định cưỡng chế thu hồi đất để làm Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt nhưng quá trình bồi thường lại áp giá từ năm 2008 khiến người dân bức xúc, có nguy cơ rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương vào năm 2008 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện do vướng vấn đề bồi thường.

Thu hồi đất năm 2023 nhưng áp giá 15 năm trước?

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương vào năm 2008.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng dự án có quy mô lên tới 74ha này (2 giai đoạn) khi hoàn thành sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh” trở thành trung tâm y tế lớn nhất cả nước và khu vực. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện do vướng mắc các vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân…

Gửi đơn cầu cứu đến Báo điện tử Xây dựng, hàng chục người dân có tài sản (đất, nhà ở, nhà xưởng…) thuộc diện phải thu hồi làm dự án vẫn chưa biết đi đâu về đâu khi vấn đề bồi thường, tái định cư vẫn chưa được giải quyết xong.

Những hộ dân này cho rằng rất ủng hộ Thành phố thực hiện dự án, đặc biệt là dự án cho ngành Y tế, tuy nhiên việc bồi thường quá thấp đã đẩy người dân vào thế khó tìm được chỗ an cư mới.

Theo người dân, ngày 05/5/2008, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 2551 kiến nghị chọn vị trí xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gồm 2 phương án.

Phương án 1 là vị trí thuộc một phần tờ bản đồ số 17, 18 bản đồ địa chính xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với tổng diện tích 26,25ha; Phương án 2 là vị trí thuộc tờ bản đồ số 18, 21, 27, bản đồ địa chính xã Tân Kiên với tổng diện tích 31,12ha.

Sở Y tế đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận và quyết định việc bố trí khu đất thuộc tờ bản đồ số 18, 21, 27, bản đồ địa chính xã Tân Kiên với diện tích 31,12ha xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Ngày 19/5/2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 3110 về chọn vị trí xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chấp thuận đề xuất của Sở Y tế chọn khu đất 31,12ha tại xã Tân Kiên do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín ký.

Với quyết định này, những hộ dân thuộc tờ bản đồ số 55 do UBND huyện Bình Chánh cấp nằm ngoài ranh quy hoạch. Tuy nhiên, đến ngày 01/02/2010, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại có Quyết định số 485 về chấp thuận địa điểm làm Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và Xã Tân Nhựt - khu đất có diện tích 33.3208ha, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài ký. Với quyết định này, những hộ dân thuộc tờ bản đồ số 55 từ ngoài ranh quy hoạch lại nằm trong ranh quy hoạch, thuộc diện phải giải tỏa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Châu (SN 1968, ngụ đường Nguyễn Cửu Phú, ấp 1, xã Tân Kiên) cho biết bà có đất một phần các thửa số 47, 49, 50, 63,36, 37 và trọn thửa số 48, 59 tờ bản đồ số 55 thuộc xã Tân Kiên với tổng diện tích 6.206,4m2, thuộc diện bị thu hồi làm dự án.

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?
Nhiều người dân cho rằng áp đơn giá từ năm 2008 cho việc bồi thường năm 2023 là không đúng, gây thiệt hại rất lớn cho người dân khi số tiền họ nhận bồi thường khó có thể kiếm chỗ ở mới.

Mặc dù tổng diện tích đất hơn 6.000m2, trong đó có 300m2 đất thổ mặt tiền đường Nguyễn Cửu Phú và 2 căn nhà nhưng quá trình bồi thường gia đình bà Châu chỉ nhận được 4 tỷ đồng (đơn giá 200 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp và 300 nghìn đồng/m2 đất thổ mặt tiền đường).

“Người dân chúng tôi sinh sống nhiều đời trên mảnh đất này nhưng khi biết Thành phố có chủ trương xây dựng bệnh viện chúng tôi rất ủng hộ nhưng phải bồi thường như thế nào cho thỏa đáng. Lấy đất phải áp dụng đơn giá bồi thường đất tại thời điểm bồi thường chứ sao lại theo đơn giá thời điểm ban hành phương án bồi thường từ năm 2008 được? Nếu thu hồi đất với giá rẻ mạt thế này thì sau khi bàn giao đất nhiều người dân sẽ phải ra đường vì không đủ tiền mua một căn nhà nhỏ để an cư”, bà Châu bày tỏ.

Bồi thường giá bèo, bất nhất?

Gia đình ông Nguyễn Bình Trị (địa chỉ số A13/18 Nguyễn Cửu Phú, ấp 1, xã Tân Kiên) có thửa đất số 1421, tờ bản đồ số 3, diện tích 15.057m2. Đất thổ mặt tiền đường có diện tích 1.419m2, trong đó có tài sản trên đất gồm 4 căn nhà, 1 kho xưởng nhưng được đền bù 9,130 tỷ đồng (đơn giá 200 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp và 300 nghìn đồng/m2 đất thổ mặt tiền đường).

Nhận thấy đơn giá, mức giá bồi thường quá thấp, ông Trị đã làm đơn khiếu nại khắp nơi, kiện ra tòa án. Khi đòi quyền lợi chưa xong, ông Trị suy sụp, đổ bệnh mất nên bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1968, con gái ông Trị đại diện cho 6 người được thừa hưởng tài sản) thay cha tiếp tục hành trình đi đòi quyền lợi.

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh sau đó đã phải điều chỉnh bồi thường cho gia đình ông Trị lên thành 14 tỷ đồng (đơn giá đất bồi thường vẫn giữ nguyên, điều chỉnh đất thổ mặt tiền tăng lên từ 250m2 lên 1.270m2).

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?
Sau khi cha mất, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy tiếp tục thay cha đòi quyền lợi về giá bồi thường chưa thỏa đáng, chưa tái định cư cho gia đình chị.

“Người dân mong muốn chính quyền xem xét chừa lại 100m đất đường Nguyễn Cửu Phú cho chúng tôi ở vì khu đất bên cạnh cùng cung đường đã được UBND Thành phố xét duyệt cho tồn tại khu dân cư hiện hữu 100m. Trường hợp không được thì phải tính lại giá đất cho người dân. Chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ người dân trong dự án đi chỗ khác phải đảm bảo bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ nhưng với mức đền bù này thì kiếm chỗ ở còn khó chứ chưa nói đến việc bằng hay tốt hơn”, bà Thúy mong muốn.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc (SN 1960, ngụ Ấp 1, xã Tân Kiên) có 12.973m2 đất, 2 căn nhà, 1 kho xưởng cũng thuộc diện phải giải tỏa. Với đơn giá đất bồi thường trên gia đình ông Phúc được đền bù 7,7 tỷ đồng. Với giá bồi thường này, ông Phúc cũng khiếu nại, kiện ra tòa án thì sau đó Ban bồi thường tăng bồi thường lên lần lượt 10,4 tỷ đồng và mới đây là 11,3 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?
Ông Nguyễn Hồng Phúc sau nhiều lần khiếu nại, số tiền bồi thường tăng từ 7,7 tỷ đồng lên 11,3 tỷ đồng nhưng vẫn cho rằng có nhiều thiếu sót trong đơn giá đất, xác định loại đất, tài sản trên đất.

Còn trường hợp ông Nguyễn Văn Đảm (SN 1949) và ông Nguyễn Hoàn Vũ (SN 1971, ngụ đường Nguyễn Cửu Phú, ấp 14, xã Tân Kiên) do không đồng ý đơn giá bồi thường đã làm đơn khiếu nại lên Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu bồi thường phần diện tích bị ảnh hưởng trong dự án theo đơn giá đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở, vị trí nằm đất mặt tiền Nguyễn Cửu Phú theo đơn giá 3 triệu đồng/m2.

Quá trình đối thoại, UBND huyện Bình Chánh giải quyết đơn khiếu nại của ông Đảm và ông Vũ theo Khoản 1 Điều 22 Quyết định UBND Thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi trên địa bàn:

Hộ gia đình, cá nhân nào khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà riêng lẻ; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh hoặc dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 40% giá đất của thửa đất đó theo giá đất ở để tính bồi thường do UBND Thành phố phê duyệt; diện tích hỗ trợ là diện tích đang sử dụng thực tế nhưng không quá 5 lần hạn mức giao đất ở theo quy định.

Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân bức xúc vì áp giá bồi thường 15 năm trước?
Dự án kỳ vọng sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh "cất cánh" trở thành trung tâm y tế lớn nhất cả nước và khu vực nhưng sau 15 năm vẫn chưa hoàn thiện, công tác giải phóng mặt bằng chưa xong.

Thanh tra Thành phố ghi nhận yêu cầu của ông Đảm và ông Vũ về bồi thường đất vườn, ao trong cùng thửa, giải quyết theo đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà không quá 5 lần hạn mức giao đất ở. Phần còn lại được bồi thường theo đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư.

“UBND huyện Bình Chánh và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất hỗ trợ theo Khoản 1 Điều 22 Quyết định UBND Thành phố nhưng đến nay giá bồi thường vẫn không được điều chỉnh, giải quyết, vẫn áp giá cũ từ năm 2008. Vì vậy, tôi mong Thành phố sớm ban hành văn bản giải quyết cho gia đình tôi và gia đình ông Vũ”, ông Đảm bức xúc.

Hiện tại, 15 người dân thuộc diện giải tỏa Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Kiên và xã Tân Nhựt vẫn chưa nhận tiền bồi thường với mong muốn được áp giá bồi thường phù hợp.

Quang Hải – Viết Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load