(Xây dựng) - Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giá vật tư, nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là xăng dầu gây ra nhiều khó khăn cho nhà thầu cũng như các dự án.
Giá vật liệu, thiết bị xây dựng có biến động lớn gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án. |
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa: Quý I/2022 so với quý IV/2021, giá một số vật liệu xây dựng chính như: Giá xi măng bao tăng trung bình +14,25%; giá thép xây dựng tăng +5,2%; giá nhựa đường (Petrolimex đặc nóng 60/70 - TCVN 7493:2005) tăng trung bình +7,7%; giá xăng dầu (theo giá của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa) quý I/2022 điều chỉnh 7 lần, trong đó giá xăng RON 95 KC-III tăng trung bình +12,4%, giá dầu Diesel 0.05%S tăng +17,1%.
Tới quý II/2022 so với quý IV/2021 giá một số vật liệu xây dựng chính như: Giá xi măng bao tăng trung bình +16,55%; giá thép xây dựng tăng +4,09%; giá nhựa đường (Petrolimex đặc nóng 60/70 - TCVN 7493:2005) tăng trung bình +17,0%; giá xăng dầu (theo giá của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa) quý II/2022 điều chỉnh 9 lần, trong đó giá xăng RON 95 KC-III tăng trung bình +33,1%, giá dầu Diesel 0.05%S tăng +49,15%; giá cát xây dựng tăng khoảng +8,86%; giá đá xây dựng tăng khoảng +4,65%; giá gạch không nung tăng +55,13%.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, ông Lê Minh Thế cho biết, doanh nghiệp đang thi công 4 dự án xây dựng dân dụng ở thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Hoằng Hóa. Các dự án này đều được ký kết từ đầu năm và triển khai với cam kết không phát sinh chi phí so với hợp đồng. Chính vì vậy, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu buộc phải chấp nhận.
“Đặc thù ngành Xây dựng là thực hiện theo đúng với hợp đồng và cam kết tiến độ, nếu không doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt với việc các nhà đầu tư phạt hợp đồng. Vì uy tín của mình, doanh nghiệp phải nỗ lực, dù khó khăn chồng chất, đơn cử như với giá cát xây dựng thời gian gần đây tăng mạnh, khiến cho tiến độ thi công bị chậm lại. Mặc dù gần đây, giá xăng dầu trên thị trường đã hạ nhiệt, hy vọng kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng cũng giảm theo nhưng cũng rất khó giảm vì còn nhiều nguyên nhân khác” - ông Thế chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Việc biến động lớn của giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua nói riêng và cả nước nói chung do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do giá xăng dầu thế giới biến động lớn dẫn đến tăng giá vật liệu xây dựng (tăng giá thành khai thác, sản xuất và giá cước vận chuyển...).
“Giá vật liệu, thiết bị xây dựng có biến động lớn gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi kết thúc dự án để đưa vào khai thác sử dụng. Điển hình như giai đoạn thực hiện đầu tư: Phải điều chỉnh, cập nhật giá gói thầu, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nguy cơ làm vượt giá gói thầu, vượt dự toán xây dựng, vượt tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư và dự án, phải cân đối lại nguồn vốn và kế hoạch bố trí vốn; khó lựa chọn được nhà thầu, làm tăng giá trúng thầu. Đặc biệt, đối với là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, hợp đồng xây dựng tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, hợp đồng PPP... gặp rất nhiều khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp hợp đồng, kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng giảm; kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình; tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng và nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Đoan cho biết thêm.
Các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, hợp đồng xây dựng tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, hợp đồng PPP… chịu nhiều ảnh hưởng từ việc tăng giá vật liệu xây dựng. |
Ông Nguyễn Hữu Lễ - Trưởng phòng Kinh tế Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh giá vật tư, nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, có một phần do giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao. Trước tình hình đó, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo nội một số dung sau:
Đề nghị với Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động lớn bất thường của giá vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến các gói thầu, đặc biệt là gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói.
Các Sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác tham mưu, quảm lý Nhà nước về lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Trong đó, đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn và kế hoạch bố trí vốn cho các dự án, công trình đủ vốn và đúng kế hoạch đã đề ra; tránh trường hợp thiếu vốn, bố trí vốn chậm kế hoạch dẫn đến phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.
Các chủ đầu tư khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp, hạn chế sử dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói; tăng cường công tác quản lý hợp đồng xây dựng, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bên vi phạm cam kết trong hợp đồng xây dựng khi làm chậm tiến độ thực hiện hợp đồng theo đúng cam kết trong hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật áp dụng trong hợp đồng. Hiện nay, giá xăng dầu thế giới và trong nước đã giảm kéo theo giá vật tư, nguyên vật liệu xây dựng hy vọng sẽ giảm theo, giảm gánh nặng cho các đơn vị thi công.
Tiến Anh
Theo