Thứ năm 26/12/2024 18:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024

14:29 | 15/11/2024

(Xây dựng) - Ngày 15/11, tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp, Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” chính thức khai mạc.

Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang phát biểu khai mạc diễn đàn.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hằng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp; đồng thời, còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng một phần ba tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết: Năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh Đồng Tháp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sáng kiến và đồng tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần I, với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” hướng đến mục tiêu giảm biến đổi khí hậu và hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên tại 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giải quyết bài toán trọng tâm là chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng.

Tại Diễn đàn - Lần I năm 2022, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cam kết thúc đẩy các mục tiêu “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” để góp phần cho việc thực hiện thành công “Nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi”. Trong đó, Đồng Tháp cam kết tiên phong tạo dựng “Trung tâm giải pháp giảm phát thải” của khu vực và khuyến khích hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu, xu hướng giải pháp liên quan tới “nông nghiệp phát thải thấp”.

Tuy nhiên, thách thức chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất lớn, nhận thức và năng lực hành động của cả hai khối công và tư cần tiếp tục cải thiện để nắm bắt các xu hướng kinh tế mới nhằm vượt qua các khó khăn và tối ưu các cơ hội. Đổi mới sáng tạo, hợp tác, gắn kết công - tư được xem như “chìa khóa” cho những vấn đề này.

Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024
Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024.

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” trong tình hình mới.

Đồng thời, duy trì và phát triển diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua các hoạt động của diễn đàn để kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và Đồng bằng sông Cửu Long và tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.

Khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024
Các hoạt động bên lề diễn đàn.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố.

Mục tiêu của Đề án là “Hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam”. Ngay trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các mô hình thí điểm triển khai Đề án trên địa bàn 5 tỉnh với 7 mô hình: Đồng Tháp 1 mô hình, Kiên Giang 2 mô hình, Sóc Trăng 1 mô hình, Cần Thơ 1 mô hình, Trà Vinh 2 mô hình.

Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh tham gia thực hiện Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với diện tích 50ha triển khai tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi và các nông dân trong cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ngày 20/9/2024, tỉnh tổ chức sơ kết mô hình vụ hè thu và kết quả thực hiện đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch.

“Đồng Tháp tin tưởng và kỳ vọng rằng qua Diễn đàn lần này sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Trí Quang nhấn mạnh.

Giang Sơn - Phạm Hổ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load