(Xây dựng) – Thanh Hóa hiện có các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Gạch không nung gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường. |
Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Quang Phát, đóng tại xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) được các cấp ban ngành phê duyệt thủ tục về mặt pháp lý là một trong những nhà máy sản xuất gạch không nung có quy mô lớn trên địa bàn huyện và tỉnh với công suất thiết kế của nhà máy 15 triệu viên/năm. Hiện, nhà máy có nhiều chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ gạch đặc (dùng để xây móng và tường chịu lực) cho đến gạch 6 lỗ vuông có độ rỗng trên 30% (dùng để xây tường ngăn, trọng lượng nhẹ đang được thị trường ưa chuộng).
Với sự đầu tư, cải tiến về công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, sản phẩm gạch không nung của Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Quang Phát đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, phục vụ xây dựng, được khách hàng ủng hộ. Nhờ đó, từ những năm chưa có dịch Covid-19, tình hình sản xuất của công ty dần ổn định, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, công ty lại rơi vào khó khăn, do dịch bệnh kéo dài.
Bà Lê Thị Thu – công nhân Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Quang Phát cho biết: Thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng. Tiết kiệm cũng chỉ đủ để chi tiêu trong gia đình, ăn uống và chi trả tiền học cho con. Hiện giờ phải nghỉ làm luân phiên do dịch bệnh, không có thu nhập không biết rồi cuộc sống sẽ ra sao. Giờ lo nhất là nghỉ việc sợ không có lương, không có tiền lo cho các con. Trước đi làm, dù có mệt, nắng mưa vẫn vui vì có tiền. Công nhân chúng tôi mong nhất hiện nay chỉ là dịch qua nhanh để chúng tôi sớm được trở lại làm việc. Làm công nhân thu nhập đã thấp, ráo mồ hôi là hết tiền nếu dịch kéo dài thì sẽ đói".
Ông Nguyễn Văn Thương - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Quang Phát cho biết: “Từ khi Việt Nam công bố dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung và gạch không nung nói riêng bị ảnh hưởng lớn. Việc thắt chặt đầu tư công cũng khiến cho các công trình xây dựng ít đi, số lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ giảm xuống. Bên cạnh đó, dù có chất lượng tốt nhưng việc tiêu thụ gạch không nung vẫn còn khó khăn do thói quen dùng gạch nung đất sét của nhiều người tiêu dùng chưa thể thay đổi ngay, trong khi các nhà máy gạch nung vẫn duy trì, phát triển”.
Trước đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Quang Phát đã chủ động tìm kiếm thị trường cho trạm trộn bê tông thương phẩn góp phần giải quyết khó khăn. |
Theo tính toán của ông Thương, sản lượng tiêu thụ của nhà máy giảm đến 60% so với trước đây, công suất sản xuất chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Để duy trì sản xuất và trả lương cho công nhân, công ty đã linh hoạt chia ca cho công nhân vận hành, đồng thời tìm kiếm thị trường cho trạm trộn bê tông thương phẩn góp phần giải quyết khó khăn.
Trao đổi với ông Nguyễn Trường Tam - Trưởng phòng Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Thanh Hóa, ông Tam cho biết: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm, dẫn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh sụt giảm.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo việc sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng đảm bảo đúng quy định của Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng. Nhà nước cần có cơ chế chính sách như: Hỗ trợ vay vốn, giãn tiến độ nộp tiền vào ngân sách: Tiền thuê đất, tiền thuế đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nói chung; Tiếp tục tuyên truyền việc sản xuất, sử dụng gạch không nung theo chỉ đạo của Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 26/8/2014 của UBND tỉnh về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu, sản phẩm vật liệu xây theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 33/CT-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nguồn nguyên liệu sản xuất và chất lượng gạch xây trên địa bàn tỉnh. |
Bài: Thanh Hóa gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trước đại dịch Covid-19 tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tiến Anh
Theo