Thứ năm 14/11/2024 15:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

07:28 | 26/10/2024

(Xây dựng) – Đó là nội dung chính được đề cập tại Hội thảo “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” do Tạp chí Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Vũ Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xi măng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Vũ Ngọc Anh cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định mới từ quốc gia và quốc tế, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong quản lý và marketing để tìm kiếm thị trường mới.

Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 01/10/2024, 80 cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và nộp báo cáo 2 năm một lần, theo Nghị định số 06/NĐ-CP. Bộ Xây dựng cũng đã chuẩn bị hai dự thảo quan trọng: Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực sản xuất xi măng; Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành để sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện quy định về thẩm định khí nhà kính, tổ chức thị trường carbon và quản lý tín chỉ carbon.

Hội thảo “Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon” có ý nghĩa quan trọng các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp xi măng trao đổi, thảo luận về những vấn đề thiết yếu mà ngành đang đối mặt, mà còn là dịp giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định về giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Hội thảo cung cấp thông tin về định hướng của châu Âu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN.

Sản xuất xi măng theo hướng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Hoàng Hữu Tân đã trình bày tham luận “Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”. Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Hoàng Hữu Tân đã chia sẻ về định hướng phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, và gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, đồng thời xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Hiện tại, ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam có 92 dây chuyền sản xuất clinker, với tổng công suất đạt 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm. Về tiêu hao nguyên liệu, trung bình mỗi tấn clinker tiêu tốn 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia), trong khi nhiệt năng tiêu hao trung bình là 800 kcal/kg clinker và điện năng là 95 kWh/tấn xi măng.

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Hoàng Hữu Tân trình bày tham luận tại Hội thảo.

Mục tiêu phát triển ngành Xi măng giai đoạn 2021-2030 bao gồm việc chỉ đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất clinker có công suất trên 5.000 tấn/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Đến năm 2025, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày sẽ phải đổi mới công nghệ. Ngành cũng đặt mục tiêu giảm tiêu hao nhiệt năng xuống dưới 730 kcal/kg clinker và điện năng dưới 90 kWh/tấn xi măng. Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền clinker lớn hơn 2.500 tấn/ngày phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải.

Trong giai đoạn 2031 - 2050, ngành Xi măng sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, sử dụng chất thải và rác thải làm nguyên liệu. Việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm lượng chất thải phải chôn lấp và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hiện có sẽ được cải tiến để xử lý hầu hết các loại chất thải mà không phát sinh ô nhiễm, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường.

Ngành Xi măng cũng sẽ chú trọng vào việc sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, khuyến khích khai thác âm và bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra là 100% cơ sở sản xuất đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đồng thời áp dụng công nghệ lọc bụi hiện đại và thiết bị giám sát nồng độ bụi trực tuyến để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xi măng

Ngành Xi măng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội. Hiện nay, Ngành có tổng công suất thiết kế lên tới 122 triệu tấn xi măng/năm, trong đó VICEM chiếm khoảng 30-32%. Ngành này có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn, chiếm gần 75% tổng phát thải của Ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Phát thải cho sản xuất clinker hiện bình quân khoảng 900kg CO2/tấn, với phát thải từ nguyên liệu khoảng 530kg, nhiên liệu khoảng 315kg và sử dụng điện khoảng 55kg. Đối với sản xuất xi măng, lượng phát thải là khoảng 670kg CO2/tấn. Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020. Mục tiêu đặt ra là giảm phát thải khí CO2 xuống dưới 650kg/tấn xi măng vào năm 2030 và 550kg/tấn vào giai đoạn 2031 - 2050.

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Trưởng Ban An toàn và môi trường Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Dương Ngọc Trường

Chia sẻ về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xi măng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) Dương Ngọc Trường cho biết: VICEM đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo từ công cụ đo đạc và thẩm định MRV, phát thải trung bình cho sản xuất clinker gần đây đạt khoảng 872 kg CO2/tấn. Đối với sản xuất xi măng, con số này trong năm 2023 là khoảng 617 kg CO2/tấn, và 610 kg CO2/tấn trong 9 tháng đầu năm 2024. Những kết quả này khẳng định VICEM đang tiến gần đến các mục tiêu chiến lược.

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, VICEM đã triển khai nhiều giải pháp như: Quản lý và kiểm soát phát thải; Tối ưu hóa sử dụng nhiên liệu; giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi măng; tận dụng nhiệt thừa để phát điện và thu hồi CO2. Theo Phó Tổng Giám đốc VICEM mặc dù đã đạt nhiều tiến bộ, VICEM vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng cho nguyên liệu thay thế. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn thiếu cụ thể, gây khó khăn cho doanh nghiệp. VICEM khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững và sản xuất xanh, đồng thời kêu gọi Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường, giúp ngành Vật liệu xây dựng phát triển bền vững hơn.

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Fico-YTL trình bày tham luận.

Đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Fico-YTL (Fico-YTL) cũng đã trình bày về nghiên cứu và phát triển xi măng hàm lượng clinker thấp, với mục tiêu làm chủ hoạt tính clinker nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Công ty đặc biệt chú trọng đến việc hiểu rõ nhu cầu và ứng dụng của khách hàng, đồng thời áp dụng công nghệ nghiền riêng để giảm hàm lượng clinker. Ngoài ra, Công ty cũng nghiên cứu ứng dụng các khoáng chất trong phế phẩm công nghiệp và sử dụng hiệu quả các phụ gia hóa học phù hợp với đặc tính clinker nhằm tối ưu hóa sản phẩm.

Fico-YTL cũng giới thiệu sản phẩm xi măng xanh ECOCem, có ưu điểm phát thải CO2 thấp hơn ít nhất 30% so với xi măng portland, cùng với hàm lượng clinker giảm và việc sử dụng nguyên liệu thay thế. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao chất lượng xi măng mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong Ngành.

Bên cạnh đó, Fico-YTL kiến nghị đề xuất thúc đẩy lộ trình chuyển đổi xanh cho ngành Xi măng, cụ thể: Quy hoạch cung cầu và cơ cấu ngành bền vững, định hướng cho các đơn vị xi măng chuyển đổi xanh, tham khảo mô hình từ các nước trên thế giới như Trung Quốc. Ngoài ra, cần quy hoạch cung cầu theo vùng, ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp thay vì portland và tận dụng năng lực đồng xử lý của Ngành. Việc sớm ban hành tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia cũng được nhấn mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành Xi măng.

Ngành Xi măng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường của Bộ Xây dựng đã trình bày dự thảo hướng dẫn quy trình kiểm kê khí nhà kính và nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng đã được đưa ra về các cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu và quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.

Đồng thời, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đã tích cực trao đổi và thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể cho chiến lược tuân thủ và giảm phát thải khí nhà kính trong ngành Xi măng, đồng thời xây dựng lộ trình toàn diện thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu giảm dấu chân carbon.

Diệu Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load