(Xây Dựng) - Tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương khẳng định: “Nếu ông Trịnh Huy Triều – Chủ tịch UBND thành phố đề xuất thêm một chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa sẽ là thiếu nhân văn và đang gián tiếp triệt đường sống của gần 1.000 tiểu thương”.
Chợ đầu mối phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. |
Sau khi có thông tin ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa ký ban hành Văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đề nghị xem xét trình Bộ Công Thương quy hoạch thêm một chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc thành phố Thanh Hóa, thuộc địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa với diện tích khoảng 30 - 40ha đã khiến cho gần 1.000 tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương “đứng ngồi không yên”.
Theo đó, gần 1.000 tiểu thương ở chợ đầu mối lâm sản Đông Hương, thành phố Thanh Hóa đã có đơn đề nghị gửi lãnh đạo tỉnh này không nên quy hoạch chợ đầu mối nông lâm sản tại khu vực phía Bắc vì sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, cũng như gây tâm lý hoang mang, lo lắng.
Tiểu thương Tôn Thị N. (SN 1972) kinh doanh buôn bán rau sạch các loại tại chợ lo lắng: “Năm 2012, để chúng tôi mạo hiểm từ bỏ đi vị trí kinh doanh cũ (chợ tự phát tại phường Lam Sơn - PV) để “bán xới” đến chợ mới. Bấy giờ, chúng tôi đã đặt niềm tin ở một vị trí mới được thành phố, tỉnh Thanh Hóa cũng như Bộ Công Thương đảm bảo, hứa hẹn với một quy hoạch lâu dài, ổn định. Nay, thời gian mới được 7 năm, tiểu thương mới đi vào kinh doanh buôn bán ổn định thì đùng một cái thành phố đề xuất quy hoạch thêm một chợ mới (khoảng cách không xa thuộc huyện Hoằng Hóa, có vị trí đầu ngõ phía Bắc thành phố - PV) ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, kinh doanh của các tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương không những gây lãng phí, chồng chéo mà đang gián tiếp triệt đường sống của người kinh doanh tại đây”.
Ông Vũ Đức Nhiệm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Minh đồng quan điểm, chung nỗi lo với các tiểu thương cho rằng, phía Công ty đã có đơn kiến nghị lên Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa và các cơ quan chức năng kiến nghị không quy hoạch thêm chợ đầu mối phía Bắc thành phố làm ảnh hưởng đến chợ đầu mối Đông Hương và lãng phí đầu tư, lãng phí tài nguyên đất của Nhà nước.
Cụ thể, theo ông Nhiệm, thời điểm năm 2013, UBND thành phố Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa đã rất vất vả trong việc dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát tại các đường Trịnh Thị Ngọc Lữ, Mai An Tiêm, Cầm Bá Thước… về chợ đầu mối nông lâm thủy sản Đông Hương để kinh doanh ổn định, lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Công ty sau khi được tỉnh tạo điều kiện cho thuê đất và hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định. Năm 2013, chợ đi vào hoạt động giai đoạn 1 và năm 2015 đưa vào hoạt động giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng. Đến nay, chợ mới đi vào hoạt động tạm thời ổn định được 5 năm.
Cũng theo ông Nhiệm, để di chuyển được các hộ tiểu thương về chợ kinh doanh, Công ty đã phải tạo mọi điều kiện, cơ chế như miễn tiền thuê địa điểm kinh doanh đến 6 tháng để thu hút, giữ chân được các hộ tiểu thương. “Khi đầu tư thì từ tỉnh đến thành phố Thanh Hóa đều kêu gọi trải thảm đỏ mời gọi, thế nhưng khi chưa xem xét thực tế khách quan tại chợ chúng tôi mà lãnh đạo Thanh Hóa đã đề nghị quy hoạch một chợ đầu mối mới theo cảm tính thì khác gì đẩy doanh nghiệp vào bờ vực phá sản”, ông Nhiệm ái ngại.
Trước những phản đối gay gắt của gần 1.000 tiểu thương cũng như đơn kiến nghị của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Minh, ngày 17/12/2020, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Văn bản số 17528/UBND-KTTC giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND huyện Hoằng Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa nghiên cứu kiến nghị của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bình Minh, tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa theo quy định.
Tiến Anh
Theo