(Xây dựng) - Nhằm mục tiêu xóa bỏ chợ tạm, chợ tự phát, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên tại xã Quảng Nham (Quảng Xương) thực tế đang diễn ra lại trái ngược với chỉ đạo của tỉnh.
Nhiều gian hàng bỏ trống bên trong chợ Mom. |
Ngày 28/2/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 2253-UBND/KT, yêu cầu các địa phương đến ngày 30/5/2019 cơ bản xóa bỏ và không để tái diễn các chợ tự phát. Tuy nhiên tại xã Quảng Nham, hiện trạng này đang diễn ra tràn lan, chợ tự phát hoạt động mạnh đẩy doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh chợ vào cảnh lao đao. Nhận được thông tin phản ánh tại xã Quảng Nham, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã về địa phương để xác minh, tìm hiểu vụ việc.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Trọng Len, đơn vị đầu tư, quản lý khai thác kinh doanh chợ Mom cho biết, hưởng ứng chủ trương của tỉnh về việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tháng 10/2017, Công ty ông đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ với quy mô 170 gian hàng, diện tích trung bình mỗi gian là 7m2. Mặc dù được đầu tư bài bản, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856-2017 về chợ an toàn thực phẩm. Nhưng 2 năm qua, chỉ có hơn 70 hộ đăng ký kinh doanh tại chợ, còn lại hầu hết các gian hàng đều bỏ trống. Vì thế, số tiền thu được hàng tháng gần như chỉ đủ trả tiền điện, nước, phí vệ sinh và lương cho người lao động, tình cảnh này đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn chồng chất.
Theo ông Trọng, nguyên nhân khiến các tiểu thương không vào chợ kinh doanh là do chợ Mom bị “kẹp” giữa 2 chợ tự phát là chợ Đón, xã giáp ranh Quảng Trạch và chợ Đảo cùng xã (nằm ở vị trí thuận lợi hơn). Trước câu hỏi của phóng viên về việc chính quyền xã, huyện có biết và xử lý tình trạng này? Ông Trọng chỉ ngao ngán thở dài mà không nói (có lẽ vì sợ đụng chạm – phóng viên).
Trên đường tìm hiểu thực tế, trước khi đến chợ Mom, phóng viên đã có dịp đi qua chợ Đón, xã Quảng Trạch, chợ tự phát này cách chợ Mom khoảng gần 1km, tọa lạc trong khu đất vốn là đất ở của một gia đình và họp tràn lan hai bên con đường liên xã nhỏ hẹp. Tại đây người bán, mua tấp nập, hàng hóa xe cộ ngổn ngang khiến xe của phóng viên phải rất khó khăn, mất gần 10 phút mới có thể “lách” qua.
Tiếp theo, phóng viên có mặt tại chợ tự phát được treo biển rất hoành tráng “Trung tâm thương mại Đức Cẩm – Quảng Nham” (nằm trên vị trí chợ Đảo cũ). Nhưng thực tế nơi này chỉ là một ngôi nhà lắp ghép mái tôn, nền xi măng, diện tích khoảng gần 1.000m2, còn thiếu quá nhiều điều kiện để có thể coi là trung tâm thương mại. Tại đây, có khoảng 60 đến 70 gian hàng, từ thuốc tân dược đến quần áo, vải vóc, thực phẩm… tất cả các quầy hàng đều sơ sài, tạm bợ, nhiều quầy hàng hóa được bầy trên kệ, chõng hoặc ngay trên mặt đất. Tuy nhiên, cảnh bán mua vẫn diễn ra nhộn nhịp, khác hẳn sự vắng vẻ, đìu hiu nơi chợ Mom bề thế cách đó không xa.
Chợ trá hình treo biển “Trung tâm thương mại” xã Quảng Nham. |
Đem thực tế đáng buồn trên phản ánh với lãnh đạo địa phương, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “dửng dưng, vô cảm” của ông Hà Thế Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham. Ông Thế Anh xác nhận, trên địa bàn xã chỉ có chợ Mom là nằm trong mạng lưới quy hoạch chợ địa phương. Về “Trung tâm thương mại Đức Cẩm”, nơi đây vốn là chợ Đảo cũ đã xóa bỏ, năm 2018 được huyện cho một hộ gia đình thuê 30 năm, mục đích sử dụng là đất kinh doanh, dịch vụ. Việc mua bán diễn ra tại đây là bởi thói quen và phong tục tập quán của người dân. Hơn nữa, do Quảng Nham dân số đông, một mình chợ Mom không thể đủ đáp ứng nhu cầu mua, bán của bà con nên hoạt động kinh doanh tại “Trung tâm” là tất yếu (thực tế chợ Mom vẫn còn nhiều gian hàng bỏ trống –phóng viên).
Lạ lùng hơn, trả lời quan điểm của phóng viên về việc “thả nổi” cho chợ tự phát cũng đồng nghĩa với việc đi ngược chủ trương của nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Ông cán bộ này cho rằng: “Trung tâm thương mại không phải là chợ?” và nói thêm “doanh nghiệp đã được giao chợ, việc đầu tư, quản lý, hạch toán kinh doanh chợ sao cho có lãi là của họ…”. Sau những câu trả lời thờ ơ của lãnh đạo, phóng viên đành im lặng và kết thúc cuộc phỏng vấn mặc cho những thắc mắc vẫn còn đó.
Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo Hiệp hội Chợ Thanh Hóa (xin giấu tên) cho biết, thực hiện công văn chỉ đạo của tỉnh, hầu hết các huyện, thị trong tỉnh (trừ thành phố Thanh Hóa làm quyết liệt) đều chỉ ban hành kế hoạch thực hiện rồi để đó, không hề triển khai làm gì, hoặc làm qua loa cho có. Trước thực trạng này, trước sự “kêu cứu” của các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội cũng chỉ có thể làm đơn đề nghị lên cấp trên và “động viên suông” doanh nghiệp chứ không thể làm gì hơn.
Được biết, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời ban hành một số cơ chế hỗ trợ để động viên, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên ngoài những nguyên nhân khách quan như suất đầu tư lớn, nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn kéo dài, thói quen tiện đâu mua đấy của người dân. Sự thờ ơ, buông lỏng, thả nổi, không làm tròn vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp đã tạo nên rào cản lớn, làm nản lòng các doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh chợ. Với thực tế này, chắc chắn lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ của tỉnh sẽ không thể diễn ra như dự kiến. Đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn phải “chung sống” dài lâu với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đào Nguyên
Theo