(Xây dựng) – Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn thư phản ánh của người dân xã Đông Khê, huyện Đông Sơn về những vấn đề trong quá trình giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Các hộ dân đội 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn khiếu nại về đất liền thửa nhưng không được đền bù đúng quy định, đứng trên khu đất nhà ông Lê Bá Lợi và ông Lê Văn Thế. |
Những vấn đề người dân bức xúc xoay quanh việc: Đất đã có sổ đỏ vẫn không được tính đủ diện tích đền bù; xác định không đúng thời điểm sử dụng đất để hạ mức đền bù, không ra thông báo, quyết định thu hồi đất, không tổ chức đối thoại với công dân để làm rõ nguồn gốc đất…
Theo đó, nội dung các gia đình thuộc diện có đất phải thu hồi cho Dự án đường cao tốc Bắc – Nam có hai nhóm vấn đề, bao gồm: Khiếu nại về xác định không đúng thời điểm sử dụng đất; khiếu nại về đất liền thửa, có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại bị “tách” ra để hạ mức đền bù, đền bù không đúng, không đủ diện tích, gây thiệt thòi về quyền lợi hợp pháp của công dân.
Để xác minh nội dung trên, phóng viên đã tìm gặp các chủ đất cũ, nay đã chuyển nhượng lại cho các hộ trên. Bà Đỗ Thị Sánh là chủ thửa đất số 729 (hiện bà Năm đang sử dụng), theo bà Sánh, năm 1978 gia đình bà được hợp tác xã cấp cho mảnh đất này, đến năm 1979 bà chuyển nhượng lại cho bà Năm sử dụng cho đến nay. Cũng theo bà Sánh, người được giao việc đo đất, cấp cho các hộ ngày ấy là ông Lê Thọ Toàn - cán bộ hợp tác xã.
Tiếp tục xác minh, phóng viên đã gặp ông Lê Thọ Toàn. Ông Toàn cho biết, ông nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, thời điểm năm 1978, ông là người trực tiếp đo đất, giao cho các gia đình bà Năm, bà Sói, ông Mát (bố ông Nhàn). Cũng theo ông Toàn, trước yêu cầu của UBND xã, mới đây, ông cũng đã viết giấy xác nhận việc ông chính là người được hợp tác xã phân công đo đất giao cho các hộ này vào năm 1978.
Cũng về nội dung này, ông Lê văn Hiến - nguyên Bí thư kiêm Trưởng thôn 1 (2017 - 2020) cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, xã mới chỉ họp toàn bộ 22 hộ dân thuộc diện giải tỏa để xác định mức đền bù, hỗ trợ. Đồng thời, xã cũng thông báo hộ nào chưa thống nhất thì làm đơn để Hội đồng đền bù xem xét, xác minh. Ngoài ra chưa tổ chức cuộc họp riêng nào nhằm xác minh nguồn gốc đất đối với các hộ còn thắc mắc, khiếu nại chưa nhận đền bù. Cũng tại cuộc họp trên, những người cao tuổi, lão thành cách mạng có 55 đến 60 năm tuổi Đảng đều xác nhận đất các hộ trên được giao trước năm 1980. Với tư cách trưởng thôn, ông Hiến đã ký vào giấy xác nhận và nộp lên UBND xã.
Đối với các hộ khiếu nại về đất liền thửa nhưng không được hưởng đền bù đúng theo quy định, tính giá không hợp lý, thiếu diện tích, gia đình ông Lê Văn Thể (đội 1, xã Đông Khê) chủ thửa đất số 539, đã được cấp sổ đỏ năm 2000, có tổng diện tích 254m2 (đất ở 50m2, đất vườn 204m2). Tuy nhiên, UBND huyện đã không căn cứ vào sổ đỏ để tính mức đền bù. Thay vào đó, lần thứ nhất, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng áp giá đền bù cho gia đình 50m2 đất ở, 111,7m2 đất cây lâu năm có nguồn gốc là đất ao vườn trong cùng thửa đất ở và 92,3m2 là đất cây lâu năm. Sau khi gia đình có đơn kiến nghị, huyện có Công văn trả lời, nêu rõ áp giá đền bù đất ở 50m2; 129,3m2 đất cây lâu năm có nguồn gốc đất vườn ao trong cùng thửa đất ở và 74,7m2 là đất cây lâu năm có nguồn gốc tự lấn chiếm.
Như vậy, ông Thể cho rằng theo hồ sơ trích lục, thửa đất số 150, bản đồ địa chính năm 1990, nay là thửa đất 539, đo vẽ năm 2012 (của gia đình ông) có tổng diện tích 254m2, gồm 50m2 đất ở và 204m2 đất vườn, tất cả cùng nằm trong một thửa đất. Do đó, Hội đồng đền bù phải áp giá đền bù, hỗ trợ 204m2 đất vườn, không thể tách ra để áp sai mức giá. Thêm nữa, đất của ông đã được Nhà nước cấp sổ đỏ, nhưng lại bị quy là đất lấn chiếm, tức là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Nhà nước cấp cho ông là vô giá trị?
Cũng là công dân đội 1, xã Đông Khê, gia đình ông Lê Văn Thế và bà Lê Thị Hòa là chủ thửa đất số 343, tờ bản đồ số 3, thuộc diện thu hồi phục vụ dự án, khiếu nại về hai nội dung chính sau: Việc tính giá đất ở đền bù nơi đi và nơi chuyển đến cho các hộ không hợp lý. Theo đó, đất ở đền bù nơi đi được tính trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá đất của Công ty Cổ phần Thẩm định giá Tiên phong và Hội đồng thẩm định giá đất của UBND huyện Đông Sơn. Nhưng với đất ở nơi đến lại quá cao, lý do bởi được tính toán đối với các mặt bằng tái định cư đã đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, giao thông...) có giá trị thương mại, sinh lời cao. Tuy nhiên, trong thực tế, các yếu tố trên mới chỉ là giả định điều kiện thuận lợi, chứ chưa trở thành hiện thực đối với khu vực đất ở tái định cư bố trí cho gia đình ông và nhiều hộ khác.
Ngoài ra, ông Thế cũng không đồng ý về đơn giá bồi thường đối với đất cây lâu năm có nguồn gốc là đất ao vườn, trong cùng thửa đất theo tính toán của Hội đồng đền bù. Theo đó, tổng diện tích thửa đất của ông qua đo đạc có diện tích thực tế 646,3m2. Căn cứ Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất “nếu diện tích đo đạc nhiều hơn diện tích trên giấy tờ về quyền sử dụng đất... nhưng toàn bộ ranh giới thửa đất đã được xác định không thay đổi, không tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề, không do lấn chiếm thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế”.
Tuy nhiên, Hội đồng đền bù xác định chỉ có 272m2 là đất cây lâu năm có nguồn gốc ao vườn trong cùng thửa đất ở, được tính giá 50% đất ở; còn lại 279,8m2 được cho là đất cây lâu năm chỉ được tính đền bù 27.000 đồng/m2 (đối với đất không liền thửa). Ngoài ra, còn 39,5m2 đất lớn hơn diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được xem xét (vi phạm Nghị định số 47).
Tương tự như vậy, ông Chu Ngọc Anh có thửa đất số 344 đã được cấp sổ đỏ, tổng diện tích 294m2, gồm 100m2 đất ở và 194m2 đất cây lâu năm. Tuy nhiên, Hội đồng đền bù huyện chỉ áp giá đền bù cho ông 100m2 đất ở; đất cây lâu năm (cùng thửa với đất ở) 105m2 (giá bồi thường bằng 50% đất ở). Diện tích còn lại được tính là đất cây lâu năm không cùng thửa với đất ở (mức giá bồi thường 27.000 đồng/m2).
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết, việc xác định thời gian sử dụng đất đối với các hộ (thuộc nhóm một – PV) đã được xã, huyện làm kỹ, có tổ chức họp dân, những người cao tuổi? Về trường hợp ông Lê Văn Thể, Hội đồng đền bù không căn cứ sổ đỏ vì “có sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đo đạc bởi một phần diện tích trong sổ đỏ là do gia đình lấn chiếm”? Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra các câu hỏi về sự xác nhận của cán bộ đo đất, những người cao tuổi... và đề nghị cho xem văn bản họp dân, các giấy tờ liên quan thì ông Chủ tịch không trả lời, không cung cấp được với lý do “đã nộp hết cho Thanh tra huyện và Thanh tra đang tiến hành xác minh, làm rõ”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Đào Nguyên
Theo