(Xây dựng) - Thái Bình là tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Hồng được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín. Đê điều đang “cõng” trên lưng gánh nặng “trầm kha”, nhiều công trình xây dựng trái phép trên đê, xe cộ quá tải chạy trên đường đê... địa phương đang “gồng mình” dỡ bỏ.
Năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, Thái Bình xử lý được 278 vụ vi phạm Luật Đê điều, lần đầu tiên đạt kỷ lục xử lý tồn đọng. |
Thái Bình có diện tích đất tự nhiên 1.570,5km2, 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố; 260 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 116 xã có đê với tổng chiều dài 356,3km, đê Trung ương 228,3km, đê bối, đê bao, đê vùng... Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến nay, số vụ vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai tồn đọng còn nhiều, trong đó có công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê. Các huyện: Hưng Hà còn 103 vụ; Quỳnh Phụ 147 vụ; Đông Hưng 126 vụ; Thái Thụy 197 vụ; Tiền Hải 251 vụ; Kiến Xương 302 vụ; Vũ Thư 117 vụ; thành phố Thái Bình 95 vụ.
116/260 phường, xã của tỉnh Thái Bình có đê với tổng chiều dài 356,3km, đê Trung ương 228,3km, đê bối, đê bao, đê vùng. |
Huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải nổi cộm lên điểm nóng về nạn xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê, số vụ vi phạm tồn đọng còn nhiều, công tác xử lý vi phạm còn chậm. Trong đó, huyện Kiến Xương, năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, phát sinh 66 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý được 40 vụ vi phạm; giải tỏa, buộc dừng hoạt động được 4 bến bãi; còn 58 vụ chưa giải quyết được. Huyện Tiền Hải, năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, phát hiện mới 29 vụ và tồn đọng cũ 25 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý được 36 vụ vi phạm, buộc dừng hoạt động, giải tỏa 6 bến bãi vật liệu xây dựng, còn 18 vụ chưa giải quyết được.
6/8 địa phương khả quan hơn, nhưng trong 2 năm (2019 - 2020) vẫn còn khá nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai chưa được xử lý dứt điểm. Trong đó, huyện Hưng Hà còn 23 vụ, Quỳnh Phụ còn 20 vụ, Đông Hưng còn 6 vụ, Thái Thụy còn 18 vụ, Vũ Thư còn 8 vụ, thành phố Thái Bình còn 4 vụ.
Xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cán bộ cơ sở dung túng cho dân dựng lều quán bán hàng trên đê. |
Nhìn tổng thể, Thái Bình có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều. UBND tỉnh kịp thời ra Chỉ thị số 18/CT-UBND cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chỉnh phủ về bảo vệ đê biển phù hợp với thực tế ở địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 8 văn bản tham mưu cho tỉnh và hướng dẫn các huyện thực hiện công tác bảo vệ an ninh đê điều, phòng chống thiên tai...
Thái Bình đã đạt được kết quả ban đầu tích cực như: Số vụ vi phạm mới phát sinh giảm, nhiều vi phạm đã tồn đọng từ các năm trước được xử lý (năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xử lý được 73 vụ vi phạm mới phát sinh, có 205 vụ vi phạm tồn đọng của các năm trước). Địa phương đạt kỷ lục lần đầu tiên tổng số vụ vi phạm tồn đọng giảm; nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đã được giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động (50 bến bãi); sự nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai của các tổ chức, cá nhân có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý đề điều ở Thái Bình còn bộc lộ những tồn tại. Phần lớn các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng nằm trong quy hoạch theo Quyết định số 1983/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 và Quyết định số 560/QĐ-UBND ngày 07/03/2017 của UBND tỉnh đều chưa có giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều theo quy định của pháp luật; chưa có báo cáo cụ thể của các địa phương về việc rà soát, kiểm tra việc cấp đất, cho thuê đất, sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê điều. Các bến bãi có chiều rộng bãi ≤ 20m và không nằm trong quy hoạch theo Quyết định số 1983/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 và Quyết định số 560/QĐ-UBND ngày 07/03/2017 của UBND tỉnh đến nay mới giải tỏa được 8/25 bến bãi, mà kế hoạch phải xử lý, giải tỏa xong từ trước ngày 31/12/2019.
Nguyên nhân cơ bản là chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm, chưa bám sát nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 18/CT-UBND của UBND tỉnh. Nhiều bến bãi không trong quy hoạch, đã có từ lâu nên rất khó khăn trong công tác giải tỏa. Công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đất ngoài bãi, trong hành lang bảo vệ đê điều có tồn tại từ trước về tình trạng buông lỏng quản lý sử dụng đất đai sai mục đích, có sự tiếp tay của cán bộ cơ sở cho dân dựng lều quán bán hàng trên đê.
Một số hộ dân xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đê Hồng Hà. |
Thái Bình cần cương quyết chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có chương trình hành động cụ thể thực hiện nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp thiết thực xử lý vi phạm, kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m và không nằm trong quy hoạch; xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh, các vi phạm tồn đọng từ các năm trước và các trọng điểm vi phạm trên địa bàn quản lý; chú trọng công tác vận động, tuyên truyền đến từng chủ vi phạm để người vi phạm hiểu và tự thực hiện việc giải tỏa, thu dỡ; quản lý chặt chẽ đất trong hành lang bảo vệ đê điều, ngoài bãi sông.
UBND các phường xã nắm chắc chức năng quyền hạn, xử lý kịp thời theo thẩm quyền ngay khi công trình chớm khởi sự vi phạm Luật Đê điều. Các vụ mới phát sinh và vi phạm tồn đọng, lực lượng công an phường xã phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều vận động từng chủ vi phạm tự giác giải tỏa, tháo dỡ; trường hợp không chấp hành, hoàn thiện ngay hồ sơ để tổ chức cưỡng chế theo quy định. Cơ quan chủ quản cần phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức phát quang mái đê, chân đê; yêu cầu các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý, không tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất thải theo quy định; xử lý nghiêm các bến bãi vi phạm.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Vũ Phong Cầm
Theo