Thứ sáu 19/07/2024 18:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tây Ninh: Nhiều dự án giao thông có mức đầu tư “khủng” sẽ được triển khai trong thời gian tới

15:04 | 19/07/2024

(Xây dựng) - Ngoài dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 19.617 tỷ đồng thì thời gian tới sẽ có nhiều dự án giao thông trọng điểm có mức đầu tư “khủng” lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng được triển khai xây dựng tại tỉnh Tây Ninh.

Tây Ninh: Nhiều dự án giao thông có mức đầu tư “khủng” sẽ được triển khai trong thời gian tới
Khi cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được xây dựng và hoàn thành đi vào sử dụng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 22. (Ảnh: Hà An)

Tại Hội nghị sơ kết công tác báo chí 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 18/7, ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh này đã thông tin về tiến độ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm có mức đầu tư lớn trên địa bàn.

Cụ thể, theo ông Châu, hiện nay tỉnh Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh để sớm khởi công cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài vào tháng 6/2025. Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào tháng 6/2024. Dự án có chiều dài gần 51km, điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km 53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 5km).

Đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km, quy mô 6 làn xe cao tốc. Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc theo tiêu chuẩn đường cao tốc, nền đường rộng 25,5m.

Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến. Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 19.617 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỷ đồng, chiếm 50,69% tổng mức đầu tư dự án. Theo dự kiến, dự án này sẽ được khởi công vào tháng 6/2025, thời gian xây dựng công trình từ năm 2025 - 2027 và hoàn thành trong năm 2027.

Đối với dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B - ĐT.789, được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt đầu tư vào năm 2021. Tuyến đường này dài hơn 48km, qua thị xã Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) với tổng mức đầu tư hơn 3.416 tỷ đồng, thời gian triển khai xây dựng từ năm 2021-2026.

Ngoài ra còn có hàng loạt dự án khác như dự án đường Bời Lời, HĐND tỉnh Tây Ninh đã thông qua chủ trương đầu tư ngày 22/3. Dự án chiều dài khoảng 5m, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư là 433,7 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2025.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng. Gói thầu xây lắp qua tỉnh Tây Ninh đã khởi công vào ngày 28/12/2023, hiện nhà thầu đang thi công đạt khoảng 10% khối lượng của công trình, dự kiến xong trong năm 2025.

Riêng dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh), ngày 9/6/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận cho Tập đoàn Sun Group lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Hiện nay, hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định báo cáo dự án và tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư dự án.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, những dự án giao thông trên sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ giúp người dân tỉnh Tây Ninh đi lại thuận lợi hơn, kết nối người dân từ các tỉnh Đông Nam bộ đến Tây Ninh, trung chuyển hàng hóa liên tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt là dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề bức xúc về giao thông, chia sẻ lưu lượng với tuyến Quốc lộ 22; tăng tính liên kết giữa các đường Vành đai 3, Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh với Tây Ninh và xa hơn là nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát để kết nối qua Campuchia, mở thông tuyến kết nối vùng Đông Nam Á. Qua đó sẽ mở cánh cửa Tây Bắc, tạo thêm trục kết nối cũng như khai thác quỹ đất dọc tuyến, vùng phụ cận để có thêm nguồn lực phát triển mạnh mẽ.

Nguyễn Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load